Trang chủ » Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam 
  • Thứ sáu, 31-12-2021 |
  • Tin tức kinh tế |
  • 10 Lượt xem

Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam 

  Ngày 21/12/2021, trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam nhằm chia sẻ, lắng nghe các ý kiến, đóng góp từ các tổ chức […]

 

Ngày 21/12/2021, trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam nhằm chia sẻ, lắng nghe các ý kiến, đóng góp từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan nhà nước, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) Việt Nam thuận lợi hơn và là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Lê Thành Quân phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thành Quân cho biết, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư, trong đó trọng tâm là hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông kết nối thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn và phù hợp với thông lệ quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng nền hành chính minh bạch, thân thiện và đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Việc phát triển các KCN, KKT là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, hiện nay trên cả nước có 395 KCN được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích gần 123 nghìn ha; 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871,5 ngàn ha. Các KCN, KKT đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Samsung, Sumitomo, Foxcon, LG, Hyosung, Canon, Robert Bosch, … với nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Hệ thống các KKT ven biển đã tận dụng và phát huy được lợi thế về địa chính trị kinh tế. Các KKT như Chu Lai, Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn …. đã thu hút được các dự án công nghiệp nặng quy mô lớn trong lĩnh vực cơ khí, hóa dầu, nhiệt điện, sản xuất thép, lắp ráp ô tô …

Các KCN, KKT đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giá trị công nghệ; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết việc làm; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng quan hệ đối ngoại ….

Trình bày tổng quan về phát triển và định hướng thu hút đầu tư vào KCN, KKT, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Trần Quốc Trung cho biết, tính đến cuối tháng 10/2021, đã có 10.996 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 230,2 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng 69%. 10.211 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng, vốn thực hiện khoảng 46,5%. Năm 2020, các doanh nghiệp trong KCN, KKT đóng góp giá trị kim ngạch xuất khẩu 138 tỷ USD, tương đương tỷ trọng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp vào ngân sách 137 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 triệu lao động.

Về một số định hướng phát triển KCN, KKT trong thời gian tới, phát triển về số lượng và quy mô KCN, KKT phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành. Hình thành hệ thống KCN nòng cốt, các KKT trọng điểm với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Phát triển các loại hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao tại khu vực đồng bằng để phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị. Phát triển các KCN có quy mô vừa và nhỏ tại khu vực nông thôn, miền núi để phát triển các ngành công nghiệp chế biến (lương thực, thực phẩm, nông, lâm, thủy, hải sản), các ngành sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày). Tiến tới cân bằng trong phát triển KCN, KKT để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội. Hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định. Thúc đẩy phát triển KCN, KKT theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN, KKT thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường; sử dụng ít tài nguyên (đất đai, nước, …), năng lượng, lao động. Đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT. Khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân trong xây dựng, phát triển KCN, KKT.

Các ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư vào KCN, KKT đó là thiết bị, linh kiện điện tử; năng lượng; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp ô tô, cơ khí chế tạo; logistics (cảng biển, hàng không, kho bãi); thiết bị y tế, chế biến lương thực, thực phẩm; Dệt may, da giầy; hàng tiêu dùng và bán lẻ; công nghệ cao; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo; Chuyển giao công nghệ; Nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng; công nghệ thông tin; Bất động sản nghỉ dưỡng; nghiên cứu và phát triển; Cơ sở hạ tầng.

Để thực hiện định hướng này, Chính phủ đang có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN, KKT như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi đất đai, hỗ trợ của nhà nước đối với đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, KKT, chính sách nhà ở công nhân…

Hình ảnh Diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: MPI

Tại Diễn đàn, các đại biểu đến từ Công ty phát triển hạ tầng KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng; Công ty cổ phần KCN An Phát; Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; … đã chia sẻ về mô hình KCN sinh thái gắn với phát triển bền vững; phát triển KCN kỹ thuật cao; KCN, KKT gắn với phát triển quy hoạch đô thị và dịch vụ tiện ích cho người lao động; mô hình KCN chuyên sâu; …

Kết luận Diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Lê Thành Quân nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới toàn diện và mạnh mẽ để trở thành một đất nước phát triển và hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với sự phát triển KCN, KKT cần có thay đổi để đảm bảo hiệu quả và bền vững hơn nữa. Định hướng, chủ trương của Đảng, Chính phủ Việt Nam gần đây yêu cầu về nâng cao hiệu quả hoạt động của KCN, KKT, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo, xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình và phát triển KCN, KKT sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh.

Để tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh của KCN, KKT, với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý nhà nước đối với KCN, KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KCN, KKT, trong đó xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đó là hoàn thiện mô hình quản lý và ưu đãi đầu tư của KCN, KKT; phát triển các mô hình KCN, KKT với chất lượng quy hoạch, trình độ quản lý và cơ sở hạ tầng kỹ thuật cao hơn; nâng cao tính liên kết, hợp tác giữa các KCN, KKT.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 về quản lý KCN và KKT, trong đó đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc phát triển mô hình KCN, KKT mới. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ cùng các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng hành cùng nhà đầu tư để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của KCN, KKT ngày càng thông thoáng, minh bạch, hiệu quả xây dựng các KCN, KKT của Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Default Image

Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc

Số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) công bố ngày 4/1 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam trong năm 2022 là 60,98 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 26,72 tỷ USD, theo đó...

Default Image

Lao động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng hơn 27 nghìn người

  Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, tính đến thời điểm này trong các KCN của tỉnh có hơn 174 nghìn lao động đang làm việc, tăng hơn 27 nghìn người so với thời điểm tháng 7 năm trước. Công nhân của Công ty...

1

Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số trong giai đoạn mới

  Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Ban Chỉ đạo xây...

Default Image

Bắc Giang: 22 doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú

  Thời gian qua, chủ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Hiệp Hòa) phối hợp với chính quyền địa phương tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng và đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu công...

1

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022

   Ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Ảnh minh họa. Nguồn: MPI Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải...