Vải thiều sớm vào mùa: Chú trọng phòng dịch, bán hàng trực tuyến

(BGĐT) - Thời điểm này, vải thiều sớm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chuẩn bị được thu hoạch với năng suất, chất lượng vượt trội. Đón bắt lợi thế này, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng vào vụ vải sớm.

Chất lượng vượt trội

Đến xã Phúc Hòa (Tân Yên) dịp này, khắp các khu vườn vải sớm quả đều sai trĩu cành, nhất là tại vùng trồng được cấp mã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Cây nào quả cũng to, đang ngả sang màu đỏ. Đâu đó, mùi thoang thoảng của tỏi, gừng, ớt, rượu… hòa quện. 

Vườn vải sớm xuất khẩu sang Nhật Bản ở thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên).  Ảnh: Trịnh Lan

Vườn vải sớm xuất khẩu sang Nhật Bản ở thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên). Ảnh: Trịnh Lan

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa cho biết: “Từ ngày 18/4 đến nay, bà con ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trên vải mà chỉ sử dụng thảo dược làm từ nguyên liệu thiên nhiên nên mới có mùi thơm ở vườn như thế. Với gần 1 ha vải, vụ này gia đình tôi dự kiến thu về hơn 10 tấn quả”. Do sản phẩm bảo đảm chất lượng, mã đẹp nên nhiều doanh nghiệp, tiểu thương đến thăm vườn và đặt cọc mua hàng, người trồng không lo đầu ra.

Được biết, toàn huyện Tân Yên có hơn 1,2 nghìn ha vải sớm, sản lượng ước đạt hơn 13 nghìn tấn. Trước đây, nỗi lo lớn nhất của bà con trồng vải là bị sâu đục cuống quả. Tuy nhiên, năm nay nhờ đơn vị tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn chăm sóc, từ nở hoa đến quả chín như: Theo dõi, ghi chép nhật ký hằng ngày; theo dõi diễn biến từng chu kỳ sinh trưởng, phát triển, vật tư sử dụng trên cây trồng… nên vải sinh trưởng, phát triển tốt. 

Năm nay, toàn tỉnh diện tích vải sớm đạt hơn 6 nghìn ha, sản lượng ước đạt 45 nghìn tấn. Vải sớm tập trung chủ yếu tại Tân Yên, Lục Ngạn, Lục Nam; dự kiến thu hoạch từ 20 đến hết 5/6/2021.

Mới đây, tin vui là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, vải sớm Phúc Hòa đã được 6 doanh nghiệp (DN) ký cam kết thu mua. Trong đó, riêng vải xuất khẩu đi Nhật Bản sẽ mua với giá 25 nghìn đồng/kg. Điều này đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng của người dân. Đồng thời, thông qua HTX Sản xuất, tiêu thụ vải Phúc Hòa có 18 thương nhân đăng ký thu mua xuất vải sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài thị trường trong nước, lần đầu tiên năm nay huyện Tân Yên tổ chức Lễ xuất hành vải thiều sớm sang thị trường Nhật Bản vào ngày 26/5, dự kiến Công ty TNHH Chánh Thu là đơn vị xuất hành đầu tiên khoảng 20 tấn quả.

Tiêu thụ gắn với phòng dịch

Cùng với Tân Yên, gần 40 nghìn tấn vải sớm tại huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Lạng Giang cũng cận kề ngày thu hoạch. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các địa phương đặc biệt quan tâm công tác tiêu thụ gắn với phòng, chống dịch bệnh. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Tân Yên đã lập các chốt trên tuyến đường trục chính dẫn vào vùng vải. Cùng đó, chuẩn bị phương tiện, nhân lực kiểm soát dịch bệnh. Đó là đầu tư bộ xét nghiệm nhanh cho thương nhân, lái xe và người đến lao động tại vùng vải, các điều kiện chứng minh vải sạch bệnh, sạch Covid-19 để người tiêu dùng yên tâm. Cùng đó, tạo điều kiện hỗ trợ cho thương nhân đến thu mua cách ly y tế, đăng ký tạm trú, tạm vắng, bố trí bãi đỗ xe, điểm cân; cử các lực lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự; cải tạo đường giao thông; tăng cường phối hợp với ngành điện bảo đảm cấp điện ổn định phục vụ tiêu thụ vải thiều.

Nông dân xã Phúc Hòa (Tân Yên) sử dụng thảo dược chăm sóc vải sớm.

Nông dân xã Phúc Hòa (Tân Yên) sử dụng thảo dược chăm sóc vải sớm.

Huyện Lục Ngạn với hơn 2,2 nghìn ha vải sớm, sản lượng ước 30 nghìn tấn, để vải tiêu thụ thuận lợi ngoài lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, UBND huyện còn lập danh sách gửi các cơ quan chức năng việc đưa đón và cách ly thương nhân Trung Quốc sang tiêu thụ vải. Hiện địa phương đã hợp đồng với 8 khách sạn, nhà nghỉ đủ điều kiện an toàn vệ sinh phòng dịch trên địa bàn để sẵn sàng đón các thương nhân đến cách ly.

Huyện Lục Nam cũng tập trung rà soát lập kế hoạch các cơ sở sản xuất, vật tư; cử lực lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự sẵn sàng vào vụ vải sớm.

Đồng hành cùng các địa phương, Sở Công Thương phối hợp UBND huyện hỗ trợ tem, nhãn, bao bì, đóng gói hàng hóa. Điểm mới năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở lên kế hoạch hỗ trợ các DN, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều ứng dụng thương mại điện tử nhằm quảng bá hàng hóa, tiếp cận khách hàng trong, ngoài nước. 

Dự kiến, trong tháng 5 vải thiều sớm được đưa lên sàn thương mại điện tử Alibaba. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng phối hợp UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất vải thiều sớm bảo đảm chất lượng, phù hợp tình hình dịch Covid-19. Đơn vị phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và các địa phương đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, kết nối tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong và ngoài nước.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Trịnh Lan - Hoàng Phương).

Các tin liên quan