Truy xuất nguồn gốc nông sản: Không thể chần chừ

(BGĐT) - Nông sản có nguồn gốc rõ ràng sẽ tạo sự tin tưởng đối với khách hàng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người sản xuất. Lợi ích là vậy song sản phẩm có truy xuất nguồn gốc tại tỉnh Bắc Giang chưa nhiều.

Ít sản phẩm có truy xuất nguồn gốc

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, thời gian qua, truy xuất nguồn gốc nông sản đã được các cấp, ngành tích cực thực hiện và đạt một số kết quả bước đầu. Đến nay chưa có thống kê cụ thể nhưng trên thực tế, nông sản có truy xuất nguồn gốc còn ít, đa phần là nông sản chủ lực của một số địa phương, HTX.

Vải thiều Lục Ngạn có tem truy xuất nguồn gốc.

Vải thiều Lục Ngạn có tem truy xuất nguồn gốc.

Tại huyện Hiệp Hòa có bánh chưng Vân, dưa lưới, nho đen, một số rau, củ khác của HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng; rau cần Hoàng Lương, bưởi Lương Phong, Mai Trung; lợn sạch Trường Thành, xã Danh Thắng; trám đen Hoàng Vân có tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh quét mã trên sản phẩm, người tiêu dùng sẽ có các thông tin liên quan, chi tiết như: Từng thửa ruộng, chủ hộ, ngày xuống giống cây trồng, ngày thu hoạch, chế biến… 

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 cho biết: “Xác định phát triển bền vững, lâu dài nên ngay khi có sản phẩm, chúng tôi đã đăng ký và dán tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ vậy, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn. Hiện rau, quả của HTX đều được cung cấp theo hợp đồng, trong đó một phần đi vào siêu thị lớn tại Hà Nội”.

Hay như tại Lục Ngạn, vải thiều, cam, táo, bưởi của nhóm hộ trong HTX, tổ sản xuất cũng được địa phương hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc. HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, xã Hồng Giang thành lập đến nay được hơn chục năm với ngành nghề là trồng cây ăn quả, cung ứng giống gia cầm. 

Doanh thu của HTX đạt hơn 20 tỷ đồng/năm. Một trong những yếu tố giúp HTX thành công là gắn tem truy xuất nguồn gốc nông sản. HTX là địa chỉ mà nhiều siêu thị tìm đến đặt hàng. Riêng vải thiều đã xuất sang thị trường cao cấp.

Nhiệm vụ trọng tâm

Mặc dù có nhiều lợi ích khi gắn tem truy xuất nguồn gốc trên nông sản song người sản xuất vẫn ít quan tâm. Nguyên nhân là do sản xuất của tỉnh vẫn chủ yếu là kinh tế hộ, nhỏ lẻ. 

Một bộ phận người tiêu dùng không quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa khi mua sản phẩm cũng là một trong những yếu tố khiến người sản xuất chưa chú trọng đến truy xuất nguồn gốc; thậm chí có tem nhưng người dân vẫn không dán vào sản phẩm.

Bánh chưng của HTX Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Bánh chưng của HTX Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về sản phẩm của người tiêu dùng tăng lên. Đặc biệt, hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện cần thiết, trong đó có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Năm nay, phía Trung Quốc đã yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi nhập khẩu vải thiều của Việt Nam. Vì vậy, Bắc Giang đã phải khẩn trương làm các thủ tục, một số mã vùng trồng đã được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường này. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng áp dụng đối với dưa hấu, một số sản phẩm khác khi nhập khẩu nông sản từ nước ta. Nếu không đáp ứng một số quy định thì sản phẩm không thể thông quan. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản là yêu cầu rất cấp thiết.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, năm 2020, truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trước mắt, Sở sẽ rà soát, tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ưu tiên hỗ trợ tem, nhãn cho sản phẩm thuộc chương trình.

Cũng theo ông Tùng, muốn truy xuất nguồn gốc được phải tổ chức lại sản xuất, hình thành HTX, kinh tế hộ trang trại và gắn với chế biến; đồng thời nông sản phải an toàn, bảo đảm chất lượng thì khi truy xuất nguồn gốc mới thực sự tự tin.

Một số chính sách tiếp tục được ngành chức năng, địa phương thực hiện để truy xuất nguồn gốc nông sản như: Xây dựng vùng sản xuất tập trung; lập bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm theo chính sách của tỉnh đã ban hành.

Một số ý kiến đề xuất, cần sớm có hướng dẫn thực hiện quy định của Luật Trồng trọt về cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để các địa phương thực hiện thuận lợi; tiến tới xuất khẩu nông sản ổn định, bền vững.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Các tin liên quan