Tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2021

 
 
Tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2021

 

Trong tháng 12 năm 2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giảm gần 1,2 tỷ USD vốn đầu tư của dự án thăm dò phát triển và khai thác dầu khí tại Nga. Lượng vốn giảm lớn đã vượt quá số vốn đầu tư mới và tăng thêm của Việt Nam ra nước ngoài trong năm. Vì vậy tính chung trong cả năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh giảm trên 366,9 triệu USD (giảm 1,6 lần so với cùng kỳ). Nếu không tính dự án giảm vốn lớn này, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2021 sẽ đạt trên 828,7 triệu USD.

Trong năm 2021, có 61 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt trên 409 triệu USD (tăng 28,6% so với cùng kỳ) và 22 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn điều chỉnh giảm trên 776 triệu USD (giảm gần 3,9 lần so với cùng kỳ).

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 15 ngành. Trong đó hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 1 dự án mới và 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đạt trên 420,8 triệu USD, tăng 6,7 lần so với năm 2020. Ngành bán buôn, bán lẻ đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư gần 160,9 triệu USD, tăng trên 2,5 lần so với năm 2020; tiếp theo là các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo,…

Có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong năm 2021. Dẫn đầu là Hoa Kỳ với 4 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 307,3 triệu USD, tăng 4,4 lần so với năm 2020. Đứng thứ hai là Singapore với tổng vốn đầu tư trên 141,7 triệu USD, tăng gần 3,6 lần so với năm 2020. Tiếp theo lần lượt là Campuchia, Israel… với vốn đầu tư đạt 89,4 triệu USD và gần 71,6 triệu USD.

          Lũy kế đến 20/12/2021, Việt Nam đã có 1.448 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 20,9 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,3%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (16%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,8%); Campuchia (13,6 %); Venezuela (8,7%);…

                                                                                                                                                                         Theo Cục ĐTNN

Các tin liên quan