Tiếp tục đổi mới kinh tế tập thể, sửa đổi, hoàn thiện Luật Hợp tác xã

Sáng ngày 07/12, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT); tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh.

Đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/Thảo My

Theo báo cáo tại hội nghị, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13, cả nước thành lập mới 20.234 HTX phi nông nghiệp, bình quân đạt 1.012 HTX/năm; cơ cấu các HTX phi nông nghiệp thay đổi theo hướng tích cực, cả nước thành lập mới 21 liên hiệp HTX (LHHTX), đến cuối năm 2021, có 16 LHHTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp (chiếm 15%); 33.307 tổ hợp tác (THT) thành lập mới; 7.503 THT phát triển thành HTX. HTX, THT lĩnh vực phi nông nghiệp thu hút gần 03 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể ở trên địa bàn nông thôn, chiếm 9,5% tổng số hộ cá thể cả nước. Phần lớn HTX thành lập theo Luật HTX năm 2012, tổ chức sản xuất, kinh doanh tập trung, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, gắn với chuỗi giá trị, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, ngành nghề truyền thống địa phương; chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị.

Hầu hết HTX, LHHTX lĩnh vực phi nông nghiệp tổ chức lại hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Số lượng HTX, LHHTX quy mô vừa và lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP, tham gia xuất khẩu hàng hóa ngày càng tăng, thích ứng với đại dịch Covid-19. Phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động trẻ; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao nhận thức của xã hội về HTX kiểu mới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các HTX phi nông nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế như: Số lượng còn ít so với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong ngành công nghiệp và dịch vụ; nhiều HTX còn yếu về năng lực tài chính, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị hạn chế; chưa minh bạch về vốn góp và tài chính; KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp tuy đóng góp cao hơn nhiều HTX nông nghiệp nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm, đóng góp cho địa phương mới chỉ đạt 15 - 25% tổng sản lượng hoặc giá trị; phát triển chưa đều ở các địa phương và các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh; chưa thu hút nhiều thành viên tham gia; việc ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách thi hành Luật HTX năm 2012 còn chậm, chưa cụ thể, chưa phù hợp với những đặc điểm, tính chất đặc thù đối với từng loại hình, lĩnh vực hoạt động của các HTX, LHHTX...

100% các HTX trong cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp tại tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành việc chuyển đổi
theo quy định của pháp luật. Ảnh: BGP/Thảo My

Tại Bắc Giang, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhiều HTX mới đã được thành lập, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, tạo liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết; 100% các HTX hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật, được củng cố, từng bước đổi mới về tổ chức hoạt động, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường; khẳng định rõ vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến nay, tỉnh có 912 HTX, 05 LHHTX, là tỉnh có lợi thế về đất đai, địa hình và tiểu vùng khí hậu phù hợp để phát triển nông nghiệp với nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao; do đó các HTX nông nghiệp phát triển mạnh hơn các HTX lĩnh vực phi nông nghiệp. Xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã tập trung thực hiện công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để chuyển đổi sang phương thức sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn; ban hành nhiều  chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tập trung đất đai, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…Đồng thời, thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp nên đã mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có 49 HTX đã có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; 48 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; trên 40% HTX có các hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh với các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối thu mua.  

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh; việc đảm bảo duy trì hoạt động, nâng cao hiệu quả, thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên HTX… Đồng thời đề xuất việc ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX. Sửa đổi Luật HTX năm 2012 và đồng bộ khung khổ pháp luật về KTTT, HTX. Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước đối với KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Phát huy vai trò của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đối với phát triển KTTT, trong đó có lĩnh vực phi nông nghiệp. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật HTX và phát triển KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; đảm bảo phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác tổ chức thi hành Luật HTX.  

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp của kinh tế tập thể lĩnh vực phi nông nghiệp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua. Đồng thời đề nghị Liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh, thành tiếp tục quán triệt quan điểm mục tiêu, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra. Trong đó, xác định kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ; kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, đất sản xuất, phương tiện sản xuất cho các HTX; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ quy mô, chất lượng các HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hiện thực hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra phù hợp với thực tiễn... Đồng chí nhất trí với quan điểm tập trung sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 và coi đó là giải pháp mang tính đột phá để khắc phục các hạn chế, tồn tại đã nêu./.

                                                                                                                                                      Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan