Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số trong giai đoạn mới

 


    Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

    (MPI) - Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử được đổi tên thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số trong giai đoạn mới.

    Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương (Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 10/01/2022), Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

    Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ quyết nghị nhiều nhiệm vụ về chuyển đổi số như thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, phát triển nguồn nhân lực.

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Đài truyền hình Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và một số tỉnh, thành phố đã kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT/chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số theo Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số trong giai đoạn mới.

    Về việc xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc bao gồm: trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

    Trong tháng 01/2022, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3,4. Tính đến ngày 20/01/2022, tỷ lệ DVCTT đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 96,74% (chiếm 51,65% tổng số thủ tục hành chính).

    Để thúc đẩy tiến độ triển khai CPĐT, phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Công văn số 2304/BTTTT-THH ngày 29/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hoàn thành xây dựng, tổ chức triển khai ngay các chiến lược, chương trình kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới; thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

    Tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030./.

                                                                                                                   Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư

    Các tin liên quan