Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết các điểm tồn lưu rác thải

Sáng ngày 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì hội nghị Hội nghị giao ban trực tuyến với Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Giám đốc sở, Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị tháng 11/2021. Cùng dự tại điểm cầu UBND tỉnh có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Ô Pích, Phan Thế Tuấn; cùng đại diện một số Sở, ban, ngành tỉnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: BGP/Dương Thủy

Thực hiện hiệu quả đồng thời hai nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất

Theo báo cáo tại hội nghị, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh đến nay đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết ngày 25/11, giá trị khối lượng thực hiện đạt hơn 6,72 nghìn tỷ đồng; giải ngân hơn 6,14 nghìn tỷ đồng, bằng 67,6% kế hoạch. Đã hoàn thành việc giao vốn đối với 32 dự án khởi công mới năm 2021 với tổng số vốn  hơn 1.100 tỷ đồng; trong đó 23 dự án đã khởi công, 9 dự án đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để khởi công toàn bộ trong tháng 12/2021. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 11/2021 so với tháng trước ước đạt 100,46%, so cùng kỳ năm 2020 đạt 117,97%; trong đó, ngành khai khoáng đạt 125,81%, công nghiệp chế biến chế tạo đạt 118,03%, ngành sản xuất và phân phối điện đạt 112,94% và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải đạt 108,41%.

Mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, song tỉnh đang thực hiện khá hiệu quả đồng thời hai nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất. Nhiều ngành sản xuất có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Việc vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ nông sản của tỉnh cơ bản thuận lợi, giá bán ổn định. Tiến độ GPMB các dự án trọng điểm tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án.

Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; tác phong lề lối làm việc và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng lên. Công tác tiếp công dân có nhiều đổi mới; công tác giải quyết KNTC đã có chuyển biến tích cực, chất lượng, tỷ lệ giải quyết được nâng lên.

Huyện Hiệp Hòa báo cáo tại hội nghị. Ảnh: BGP/Dương Thủy

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá về tình hình KT-XH tháng 11. Đại diện các địa phương đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh nhiều vấn đề, trong đó đề nghị xem xét, sớm phê duyệt Quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn của huyện Hiệp Hòa tại xã Đông Lỗ để UBND huyện triển khai các bước tiếp theo bảo đảm tiến độ. UBND tỉnh cho phép địa phương tiếp tục bồi thường GPMB dự án khu đô thị Long Trì để chủ đầu tư khởi động lại dự án. Các sở, ngành liên quan hướng dẫn phương án lựa chọn nhà đầu tư để địa phương căn cứ, thực hiện dự án xử lý rác thải tập trung của huyện Lục Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích cho biết, năm 2022, tỉnh triển khai nhiều dự án trọng điểm, trong đó có một số dự án giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Từ đó, các ngành cần tính toán, thực hiện tốt khâu chuẩn bị đầu tư, phấn đấu đến quý II năm 2022 phải chuẩn bị xong. Các chủ đầu tư, Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cần kịp thời nắm bắt quy định mới của Chính phủ về GPMB để thực hiện, bảo đảm kế hoạch. Các địa phương quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc trong GPMB nhằm hoàn thành dứt điểm các dự án đang thi công, đặc biệt là tại những dự án giao thông, đô thị ở Việt Yên, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động,...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương kết luận hội nghị. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về bồi thường GPMB, giải quyết các điểm tồn lưu rác thải

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nêu rõ còn một tháng nữa là hết năm nên các địa phương, các Sở, ngành cần rà soát chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện trong năm, đối chiếu với kết quả thực hiện, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Chú trọng, tập trung cao các chỉ tiêu về môi trường, bồi thường GPMB, giải ngân vốn, xử lý các vi phạm đất đai, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, các vụ việc tồn đọng.

UBND tỉnh phát động hai tháng cao điểm, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, toàn tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về bồi thường GPMB, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các huyện, thành phố cần chủ động rà soát lại các tồn tại, vướng mắc để tập trung cao thực hiện, giải quyết, đặc biệt giải quyết dứt điểm GPMB còn tồn tại, tạo tiền đề sang năm 2022 để triển khai các dự án mới. Ưu tiên những dự án có trong kế hoạch đầu tư công như các khu, cụm công nghiệp, công trình giao thông, khu đô thị lớn.

Các địa phương tập trung giải quyết cơ bản dứt điểm đơn thư tồn đọng, hạn chế phát sinh đơn thư mới, theo tinh thần giải quyết hết vụ việc chứ không phải giải quyết hết thẩm quyền. Các đơn vị cần trao đổi, rút kinh nghiệm tìm ra cách làm hay, mới, hiệu quả, tránh khiếu kiện phức tạp, kéo dài, đảm bảo yên dân.

Trong hai tháng cao điểm, các huyện, thành phố tập trung giải quyết tình trạng bức xúc về môi trường. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm vứt xác lợn xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước. UBND các huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế tổ chức kiểm tra, gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã ven sông khi có xác lợn vứt ra môi trường nước; xóa các điểm tồn lưu rác thải tại các xã, huyện. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch kiểm tra nội dung này. Các huyện phấn đấu hoàn thành bố trí địa điểm thu gom, tập kết, lắp đặt lò đốt rác thải cho các xã trong 2 tháng cao điểm cuối năm. Huyện Hiệp Hòa và Lục Nam phải gấp rút lựa chọn nhà đầu tư để tiến hành xây dựng 2 nhà máy xử lý rác thải tại địa phương.

Để chuẩn bị tốt cho sản xuất nông nghiệp thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn, các kênh mương, tuyến đường giao thông, bảo đảm sản xuất an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các huyện, thành phố cần có kế hoạch phân bổ, sử dụng nguồn tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất ở đảm bảo hiệu quả. Nên đầu tư vào các công trình, dự án lớn của địa phương, tránh dàn trải gây thất thoát nguồn vốn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Sở Tài chính kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với nguồn kinh phí này.

Các Sở, ngành, địa phương cần chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm. Chủ động sớm giải quyết, lắng nghe, tiếp thu, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, tránh gây bức xúc trong Nhân dân.

Về an toàn giao thông, phấn đấu từ nay đến Tết Nguyên đán hạn chế, kiểm soát tốt việc vận chuyển quá khổ, quá tải, khai thác khoáng sản,... không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Các địa phương có rừng cần xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; có giải pháp khống chế nhanh. Các khu, cụm công nghiệp quan tâm phòng cháy, chữa cháy trong các doanh nghiệp, nhà xưởng, đảm bảo an toàn cho người lao động, công nhân.

Huyện Yên Thế tập trung cao cho chuẩn bị diễn tập phòng thủ chiến lược. Các địa phương có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngoài xây dựng kế hoạch hoạt động thường xuyên, các địa phương chuẩn bị tốt khâu cung ứng hàng hoá, an ninh trật tự, tuyển quân, công tác phòng, chống dịch./.

Các tin liên quan