Sản xuất vải thiều xuất khẩu: Bám sát quy trình, nâng chất lượng sản phẩm

(BGĐT) - Cùng với tín hiệu vui về thị trường xuất khẩu vải thiều, những ngày này, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang và các địa phương trong tỉnh thường xuyên có mặt tại địa bàn được cấp mã vùng trồng xuất khẩu theo dõi, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình chăm sóc, bảo đảm chất lượng quả vải.

Đồng hành cùng người trồng vải

Sáng 9/4, cùng cán bộ chuyên môn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, thành viên tổ hỗ trợ sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), chúng tôi về xã Hộ Đáp - địa phương có 5 mã vùng với 37 ha sản xuất vải thiều xuất khẩu. Tại những đồi vải bám dọc tuyến đường thuộc các thôn Na Hem, Cái Cặn và Hợp Thành, nông dân đang tập trung cắt tỉa cành cho cây vải thiều. 

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn nông dân xã Hộ Đáp chăm sóc vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn nông dân xã Hộ Đáp chăm sóc vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Ở vườn vải của gia đình anh Lại Văn Viên (SN 1985) ở thôn Hợp Thành, sau khi kiểm tra nhật ký chăm sóc, cán bộ chuyên môn hướng dẫn anh cách bón thúc để quả vải có mã đẹp, ngọt và đều quả. “Năm nay gia đình tôi sản xuất 1 ha theo tiêu chuẩn để “đi” Nhật. Từ thời điểm ra hoa đến nay, tuần nào cán bộ kỹ thuật thuộc tổ hỗ trợ của huyện cũng đến tận vườn kiểm tra, hướng dẫn quy trình chăm sóc. Khi có dấu hiệu của sâu bệnh, chúng tôi được khuyến cáo phun thuốc gì, phun như thế nào. Nhờ đó vườn vải phát triển tốt, hứa hẹn bội thu”.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, năm nay, sản xuất vải thiều nói chung, vải thiều xuất khẩu nói riêng được quan tâm thực hiện sớm. Chủ động đón tin vui từ thị trường Nhật Bản, ngay từ đầu năm có thêm 11 mã số vùng trồng, qua đó nâng tổng số vải thiều xuất khẩu sang thị trường này lên 30 mã với 260 hộ tham gia, tổng diện tích 219,45 ha. Cùng đó, tiếp tục duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng diện tích 218 ha xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU. 

Ghi nhận thực tế cho thấy, để sẵn sàng cung cấp vải thiều sang những thị trường khó tính này, các địa phương (Lục Ngạn, Lục Nam và Tân Yên) đều chủ động các phương án, tăng cường cán bộ về cơ sở.

Tại huyện Lục Ngạn, lần đầu tiên UBND huyện thành lập tổ hỗ trợ nông dân sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản với hơn 10 thành viên. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, khuyến khích các hộ ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quy trình sản xuất, thực hiện nghiêm việc ghi sổ nhật ký… Tương tự, ở huyện Tân Yên, cán bộ kỹ thuật “sát cánh” hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. 

Ông Nguyễn Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa (Tân Yên) nói: “Toàn xã có khoảng 630 ha vải thiều sớm, trong đó 15 ha trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tại những nơi được cấp mã vùng, cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, khuyến nông xã thường xuyên có mặt điều tra, theo dõi diễn biến phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh để phòng trừ kịp thời, đúng quy trình. Nhờ chăm sóc bài bản, dự kiến sản lượng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 150 tấn”.

Tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và EU có nhiều thuận lợi khi các doanh nghiệp chủ động đến tận vườn thu mua, thời gian thu hoạch nhanh, người dân không phải chở đến bán tại các điểm cân. Giá vải thiều xuất khẩu đến những thị trường này cũng cao hơn thị trường Trung Quốc và nội địa từ 5-7 nghìn đồng/kg. 

Nhật Bản là thị trường khó tính, nếu phát hiện quả vải không đạt tiêu chuẩn sẽ yêu cầu quay đầu. Lần thứ 2 vi phạm sẽ bị tạm dừng xuất khẩu (tất cả các loại nông sản) và phải ngừng hẳn nếu vi phạm lần 3.

Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng, được thị trường các nước này chấp nhận, người dân cần tuân thủ nghiêm quy trình, không sử dụng các loại thuốc BVTV nằm ngoài danh mục được cơ quan chuyên môn khuyến cáo sử dụng. 

Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Nguyên liệu, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam (TP Hà Nội) cho biết: “Năm nay, chúng tôi đã ký hợp đồng với đối tác để xuất khẩu vải thiều sang Nhật với sản lượng khoảng 300 tấn và có thể cao hơn nếu chất lượng quả vải đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường khó tính, nếu phát hiện quả vải không đạt tiêu chuẩn, họ lập tức yêu cầu quay đầu. Lần thứ 2 vi phạm sẽ bị tạm dừng xuất khẩu (tất cả các nông sản) và phải ngừng hẳn nếu vi phạm lần 3. Nếu những điều này xảy ra, không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà con đường xuất khẩu của quả vải thiều sẽ gập ghềnh hơn”.

Thực tế để đáp ứng yêu cầu của thị trường, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; điều tra, theo dõi diễn biến phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh tại các vùng sản xuất vải thiều để xuất khẩu. Cùng đó phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường dự báo tình hình, phòng trừ sâu bệnh; hỗ trợ phân tích dư lượng thuốc BVTV trước khi xuất khẩu. 

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Quá trình kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân, chúng tôi sẽ rà soát, phân loại chất lượng cũng như việc tuân thủ quy trình sản xuất vải thiều. Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ hoặc tuân thủ nhưng không bảo đảm sẽ đề xuất đưa ra khỏi danh sách nhóm hộ trong các vùng đã được cấp mã”.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Bài, ảnh: Sỹ Quyết).

Các tin liên quan