Sản xuất nông nghiệp trước tác động của dịch Covid-19: Kỳ 1- Đối mặt thách thức

(BGĐT) - Dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp của nước ta. Tại Bắc Giang, địa phương có vùng sản xuất hàng hóa tập trung cũng bị chi phối đáng kể. Không xuất khẩu được cộng với cung vượt cầu nên hiện nay giá nhiều mặt hàng nông sản đang “tụt dốc”. Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa, cung ứng vật tư nông nghiệp cũng gặp trở ngại. Thực tế này khiến nông dân và DN đang phải đối mặt với nhiều thách thức. 

Hàng nông sản rớt giá, tồn kho

Do giá vịt xuống thấp nên nhiều chủ trang trại chăn nuôi lỗ nặng. Ảnh chụp tại một trang trại  ở xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).

Do giá vịt xuống thấp nên nhiều chủ trang trại chăn nuôi lỗ nặng. Ảnh chụp tại một trang trại  ở xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).

Chiều cuối tháng 2, chúng tôi về thôn Thọ Điền 1, xã Ngọc Thiện (Tân Yên). Dọc đường bê tông nội đồng là những đống ớt vừa được nhổ lên vứt chỏng chơ, trên cành vẫn còn nhiều quả chín đỏ, quả non và hoa khiến người chứng kiến không khỏi xót xa. Bà Nguyễn Thị Thái vừa đánh bật từng gốc ớt tại ruộng vừa nói: “Bây giờ một cân ớt chỉ bán 3-4 nghìn đồng nhưng phải nhặt sạch cuống mới được giá như vậy. 

Tính ra vài tạ ớt thu về chỉ mấy trăm nghìn đồng nên tôi nhổ đi để trồng ngô”. Theo bà Thái, tầm này mọi năm, bình quân 30-35 nghìn đồng/kg ớt, vì thế phải đến cuối tháng 3 Âm lịch người dân mới phá ớt để trồng cây mới.

Theo đại diện lãnh đạo xã Ngọc Thiện, toàn xã có hơn 100 ha ớt. Hiện nay, nông dân phá bỏ hơn 50% tổng diện tích cây trồng này, chuyển sang gieo rau, màu khác.

Tương tự, tại các vùng trồng ớt khác thuộc địa bàn huyện Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang và Lục Nam cũng chung tình cảnh này. Một kg ớt dịp này giá chỉ bằng 1/3 so với trước Tết, 1/10 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều năm trồng ớt để phát triển kinh tế, người dân xã Nghĩa Phương (Lục Nam) chia sẻ, lần đầu tiên giá ớt thấp như bây giờ. Vì vậy, không còn mấy người mặn mà với cây trồng này.

Bà Nguyễn Thị Thái phá ớt bỏ đi khi trên cây vẫn còn nhiều quả.

Bà Nguyễn Thị Thái phá ớt bỏ đi khi trên cây vẫn còn nhiều quả.

Thời điểm này, những người chăn nuôi thủy cầm cũng đang chịu lỗ vì giá xuống thấp, thu không đủ chi. Trang trại nuôi vịt của gia đình anh Phạm Văn Phương, thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) mỗi lứa nuôi hàng nghìn vịt lai. Tưởng chừng đàn vật nuôi được bán sẽ cho anh khoản tiền lớn sau bao ngày chăm bẵm. Ai dè, đến lúc xuất chuồng, giá vịt lại “lao dốc”, còn 17 nghìn đồng/kg. Bán xô cả đàn, anh lỗ gần 80 triệu đồng. 

Anh Phương cho biết: “Vịt đến lứa là phải xuất chuồng, nếu không càng nuôi càng lỗ. Với 3 nghìn con vịt mà nuôi cầm chừng thì mỗi ngày chi phí vài triệu đồng tiền thức ăn, chúng tôi không thể cáng nổi nên rẻ cũng phải bán”.

Bắc Giang hiện có hơn 230 trang trại, hộ nuôi gà và hàng chục hộ nuôi vịt sinh sản với tổng lượng trứng trên 200 nghìn quả mỗi ngày. Giá trứng thương phẩm rẻ chỉ bằng một nửa so với trước, từ 1,5-1,7 nghìn đồng/quả. Ngoài ra, Bắc Giang còn có 30 cơ sở ấp nở và kinh doanh gà, vịt giống. Giá trứng, giá con giống gia cầm, thủy cầm thấp nên các cơ sở này cũng đang gặp bất lợi. 

Đơn cử cơ sở ấp nở thủy cầm của gia đình anh Ngô Quang Luyến, thôn Tam Bình, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) cũng đang hoạt động cầm chừng để giữ khách, chờ giá lên. Lò của anh mỗi ngày ấp nở 5 nghìn vịt con. Hiện giá vịt giống chỉ được 4-5 nghìn đồng/con nên cứ sau một phiên bán vịt (4 ngày) gia đình anh Luyến lỗ 80 triệu đồng. 

Anh Ngô Quang Luyến, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) chia sẻ khó khăn trong sản xuất với đại diện lãnh đạo xã Ngọc Thiện.

Anh Ngô Quang Luyến, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) chia sẻ khó khăn trong sản xuất với đại diện lãnh đạo xã Ngọc Thiện.

Vậy nhưng, những năm qua để có nguồn cung duy trì 10 lò ấp hoạt động thường xuyên, gia đình anh liên kết với khoảng 20 hộ nuôi vịt sinh sản trong và ngoài xã. Do đó, dù lỗ anh vẫn nhập trứng cho các hộ. Anh Luyến chia sẻ: “Làm ăn có lúc được lúc mất. Nếu giờ mình không nhập trứng thì người nuôi thêm khó khăn, có thể bỏ nghề nên tôi phải chia sẻ lúc này mới sản xuất, kinh doanh bền vững được”.

 

Nhiều DN xuất khẩu nông sản cũng như sản xuất vật tư nông nghiệp nhập nguyên liệu từ Trung Quốc đang đối mặt với không ít trở ngại. Riêng DN cung ứng phân bón thì thắc thỏm âu lo vì đã cấp phân bón trả chậm cho nông dân, nếu nông sản không tiêu thụ được, nhất là nông sản xuất khẩu thì khó thu hồi vốn.

 

Sở dĩ nông sản khó tiêu thụ là do các lễ hội, cuộc gặp mặt, liên hoan… đầu xuân giảm mạnh; nhiều hàng quán, khu du lịch vắng khách bởi người dân lo ngại dịch Covid- 19 lan rộng. 

Điều này đã ảnh hướng lớn đến việc tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản của Bắc Giang. Các trường học, nhất là những trường tổ chức bếp ăn bán trú cũng nghỉ học là một trong yếu tố chính khiến trứng ở nhiều trang trại xuống thấp, khó tìm đầu ra. 

Khảo sát tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Công Thương); Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang), mỗi tuần 2 trường này chế biến từ 3,5-4 nghìn quả trứng cho học sinh, sinh viên… Như vậy, việc học sinh nghỉ học đồng loạt trong vài tuần qua là một trong nguyên nhân khiến lượng trứng tiêu thụ giảm đáng kể. 

Riêng với vịt thương phẩm, ngoài yếu tố lo ngại dịch bệnh còn do cung vượt cầu. Đàn vịt tăng nhanh ở các xã vùng trũng, ven sông. Chỉ tính tại Hiệp Hòa, tổng đàn vịt của huyện hơn 400 nghìn con, tăng gần 100 nghìn con so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hàng hóa, cung ứng vật tư gặp khó

Do các cửa khẩu với Trung Quốc hạn chế xuất, nhập hàng qua biên giới vì dịch Covid-19 nên giá nông sản chuyên xuất khẩu đi Trung Quốc cũng rẻ, tiêu thụ không mấy dễ dàng như: Dưa hấu, sầu riêng, thanh long của các tỉnh phía Nam. Tại Bắc Giang, có nhiều quầy trưng biển giải cứu dưa hấu, sầu riêng cho bà con. Hội DN trẻ, Huyện Đoàn Hiệp Hòa, Thành Đoàn TP Bắc Giang cũng chung tay mua hàng chục tấn dưa hấu ủng hộ nông dân.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vinh Quang, xã Cao Xá (Tân Yên) cho biết, trước đây, mỗi tháng HTX xuất khoảng 80 tấn ớt sang nội địa Trung Quốc song gần 2 tháng nay gặp trở ngại. 35 tấn hàng đã mua của bà con, HTX phải bảo quản trong kho lạnh. Qua mối liên hệ, sự giúp đỡ của bạn bè, HTX mới xuất được hàng sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). 

Một phần ớt còn lại của HTX được nghiền nhỏ, cung cấp cho cơ sở sản xuất tương ớt trong nước. Hay HTX Nông nghiệp tổng hợp Lục Nam hiện cũng gặp cảnh tương tự. Được biết, mỗi tuần HTX này xuất 20 tấn ớt sang Trung Quốc nhưng gần tháng qua không bán được cân nào trong khi vẫn phải thu mua ớt cho bà con. 

Ông Hoàng Văn Diện, Giám đốc HTX cho hay, từ khi có dịch Covid-19, HTX của ông đã bị lỗ hơn 1 tỷ đồng vì ớt rớt giá. Điều ông Nam và ông Diện lo lắng nữa là toàn bộ chai, lọ đóng gói phải nhập từ Trung Quốc. Nếu dịch bệnh cứ tiếp diễn thì bao bì bảo quản sẽ không đủ để phục vụ sản xuất lâu dài. Vì thế, các HTX đang tính chuyển sang phương thức đóng gói bằng thùng nhựa hoặc gỗ để thay thế.

Dù không xuất khẩu trực tiếp nông sản sang Trung Quốc nhưng Công ty cổ phần chế biến Thực phẩm xuất khẩu G.O.C, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) đang thiếu bao bì đóng gói hàng hóa. Một tháng qua, DN phải đàm phán, điều chỉnh lịch xuất hàng cho đối tác vì chai, lọ nhập về chậm. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty thông tin, mỗi tháng, đơn vị nhập hàng trăm nghìn lọ từ Trung Quốc để đóng gói dưa chuột, ớt chế biến xuất khẩu. Nếu kéo dài tình trạng như hiện nay thì hoạt động sản xuất có thể đình trệ vào giữa tháng 3, vì đây là thời điểm nông sản thu hoạch rộ. 

Được biết, G.O.C là DN chế biến, xuất khẩu nông sản quy mô lớn nhất tại tỉnh, bình quân xuất khẩu 300 tấn nông sản/tháng. Để bảo đảm nguồn hàng, DN liên kết với hàng nghìn hộ sản xuất tại địa phương và các tỉnh, TP lân cận xây dựng vùng nguyên liệu. Điều này có nghĩa là nếu việc sản xuất, kinh doanh của DN có biến động sẽ kéo theo hàng nghìn nông dân cũng bị xáo trộn.

Chưa có thống kê cụ thể song nguyên liệu để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nước có nguồn gốc từ Trung Quốc khá lớn. Nếu sâu bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp thì nguy cơ cao thuốc BVTV không đủ cung cấp cho thị trường, giá bán tăng, đẩy chi phí đầu vào sản xuất lên cao. 

Ông Lê Văn Thùa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng - DN duy nhất tại tỉnh sản xuất, sang chai đóng gói thuốc BVTV chia sẻ, 60% nguyên liệu Công ty phải nhập từ Trung Quốc nên rất lo vì thiếu nguồn sản xuất thuốc thành phẩm. Hiện chưa vào thời kỳ đỉnh điểm chăm sóc cây trồng nhưng nếu trong vòng hơn một tháng nữa mà cửa khẩu với Trung Quốc hạn chế thông quan thì Công ty sẽ không còn hàng để cung ứng.

Đánh giá chung cho thấy, nhiều DN xuất khẩu nông sản cũng như sản xuất vật tư nông nghiệp nhập nguyên liệu từ Trung Quốc đang đối mặt với không ít trở ngại. Riêng DN cung ứng phân bón thì thắc thỏm âu lo vì đã cấp phân bón trả chậm cho nông dân, nếu nông sản không tiêu thụ được, nhất là nông sản xuất khẩu thì khó thu hồi vốn. Dịch Covid- 19 như “cơn sóng ngầm”, âm thầm dâng cao, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Theo: Nhóm PVKT - Báo Bắc Giang 

(Còn nữa)

Các tin liên quan