Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi tất yếu

(BGĐT) - Giá bán cao, được thị trường ưa chuộng song ưu điểm hơn cả là sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đây là xu hướng canh tác tất yếu nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và phát triển nông nghiệp bền vững.

Sản phẩm an toàn, giá bán cao

Vụ vải thiều năm nay, người dân trong tỉnh Bắc Giang không khỏi ngỡ ngàng trước giá bán của vải thiều hữu cơ. Chỉ với 12 quả đựng trong hộp giấy, vải hữu cơ được bán với giá 200 nghìn đồng, cao gấp hàng chục lần so với sản phẩm thông thường. Vậy mà loại vải này vẫn tiêu thụ tốt, không đủ cung cấp theo nhu cầu khách hàng. 

Mô hình trồng chè hữu cơ tại xã Xuân Lương (Yên Thế).

Mô hình trồng chè hữu cơ tại xã Xuân Lương (Yên Thế).

Ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn nói: “Vụ vải năm 2019, gia đình tôi sản xuất 1 ha vải hữu cơ. Toàn bộ quy trình chăm sóc đều được giám sát chặt chẽ, khu trồng có hệ thống camera theo dõi nên khách hàng yên tâm khi dùng sản phẩm”.

Được biết, ông Hành là cá nhân điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Ông có phương pháp độc đáo là điều chỉnh cho vải thiều ra quả từ thân, cành chính. Vì vậy, ông được doanh nghiệp tin tưởng, liên kết sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Hơn chục quả vải có giá 200 nghìn đồng là lần đầu tiên vải thiều của huyện chạm ngưỡng cao chưa từng có, tạo dấu mốc quan trọng cho vải thiều hữu cơ Lục Ngạn. Huyện tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích kết nối doanh nghiệp-nhà vườn sản xuất vải hữu cơ để tăng giá trị sản phẩm”.

Ngoài vải thiều, hơn 9 ha chè tại xã Canh Nậu, Xuân Lương (Yên Thế) sản xuất hữu cơ cũng có sự khác biệt, hiệu quả hơn so với sản xuất đại trà. Các hộ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để chăm sóc chè. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất chè trung bình đạt 450 kg chè khô/ha/lứa.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh có duy nhất thịt lợn của Hợp tác xã (HTX) Trường Thành, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) được công nhận sản phẩm hữu cơ. Đang trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và gây hại lớn trên đàn vật nuôi thì cơ sở chăn nuôi của HTX vẫn duy trì ổn định, vẫn tái đàn bình thường. 

Mỗi ngày HTX xuất bán từ 1- 1,5 tấn sản phẩm với giá bán cao và ổn định, không bị giảm giá như lợn nuôi thông thường. Có sản phẩm bán với giá 200 nghìn đồng/kg như thịt nạc vai, sấn mông hay thịt nạc thăn vẫn được khách hàng chấp nhận. Hiện sản phẩm của đơn vị ngoài bán trong tỉnh còn cung cấp cho địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Hà Nội.

Ưu tiên sản phẩm chủ lực

Hiệu quả mà sản phẩm hữu cơ mang lại về kinh tế đã rõ nhưng cái được hơn cả là về môi trường, sức khỏe con người. Một số nông dân trồng chè hữu cơ tại xã Xuân Lương chia sẻ, khi áp dụng quy trình chăm sóc hữu cơ, họ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Sản xuất nông nghiệp phổ biến hiện nay là lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác khiến đất bị chai cứng, tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, những năm qua sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã góp phần đưa năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi tăng cao một cách ngoạn mục nhưng đã gây ra những hệ lụy. 

Vì thế, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, trước đòi hỏi từ thực tiễn, ngành nông nghiệp tỉnh đang xây dựng Đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Bắc Giang trên cơ sở Nghị định về nông nghiệp hữu cơ của Chính phủ ban hành ngày 29-8-2018.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh sẽ làm theo lộ trình, không thể nóng vội. Trước hết là tập huấn để người dân hiểu hơn về quy trình, không phải đơn thuần như cách làm cũ mà ở trình độ canh tác mới ứng dụng tiến bộ, kỹ thuật; ưu tiên các sản phẩm chủ lực như: Chè, thịt, rau xanh để sản xuất hữu cơ; thu hút, mời gọi doanh nghiệp có tiềm lực, đi đầu về nông nghiệp hữu cơ như: Tập đoàn phân bón hữu cơ Quế Lâm (Vĩnh Phúc); Công ty NHO Oganic (Hà Nội) liên kết sản xuất với người dân tại địa bàn.

Triển khai nông nghiệp hữu cơ, các huyện, TP cũng đang rốt ráo thực hiện. Huyện Việt Yên xác định trước tiên cần cải tạo đất, hướng tới không dùng phân bón hóa học chăm sóc cây trồng. Để đạt mục tiêu này, huyện khai thác lợi thế sẵn có là xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi tại các trang trại lớn thành sản phẩm sinh học bón cho cây trồng. 

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin, năm 2020, toàn huyện phấn đấu có 20% tổng diện tích canh tác của huyện sử dụng phân hữu cơ thay thế phân hóa học chăm sóc cây trồng; đến năm 2025 là 80% tổng diện tích.

Được biết, đi đôi với biện pháp trên, Việt Yên coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Từ thử nghiệm thành công máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Quảng Minh, tới đây huyện sẽ hỗ trợ HTX, tổ chức trang bị phương tiện này để bón phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trên diện tích lớn khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Tại huyện Yên Thế, Lục Ngạn, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ chè, vải thiều được duy trì và tiếp tục mở rộng trong vụ tới.

Theo: Trường Sơn (Báo Bắc Giang Điện Tử)

Các tin liên quan