Sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất - Bài 3: Mỗi doanh nghiệp là một “pháo đài” chống dịch

(BGĐT) - Với quyết định táo bạo, nhanh chóng khôi phục sản xuất công nghiệp trong điều kiện phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, Bắc Giang đã giải quyết được một số vấn đề quan trọng trước mắt. Tuy nhiên, để mỗi doanh nghiệp (DN) và các khu công nghiệp (KCN) phát triển ổn định, bền vững cần nhiều giải pháp. 

Vẫn còn thách thức

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, Bắc Giang đã xây dựng mô hình DN trong KCN hoạt động bảo đảm an toàn dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các DN hoạt động trở lại trên cơ sở sàng lọc, đón công nhân “sạch bệnh” vào làm việc. 

Tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra các điều kiện về an toàn dịch bệnh tại Công ty TNHH Luxshare - ICT, KCN Quang Châu.

Tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra các điều kiện về an toàn dịch bệnh tại Công ty TNHH Luxshare - ICT, KCN Quang Châu.

Làm như vậy là đóng góp chung vào thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển KT-XH”. Đây là mô hình có khả năng chống chọi với dịch bệnh, trở thành “pháo đài” chống dịch. Tuy nhiên, vì là mô hình chưa có tiền lệ nên trong quá trình thiết kế và vận hành vẫn còn không ít những khó khăn.

sản xuất, Dịch Covid-19, Bắc Giang, pháo đài, công nhân, khu công nghiệp

Bước sang giai đoạn mới, Bắc Giang xây dựng Kế hoạch cao điểm tổng tiến công dập dịch. Về sản xuất, phải vừa PCD, vừa tập trung phát triển, phục hồi tăng trưởng. Để làm được điều này, các địa phương nghiên cứu, đưa ra giải pháp phù hợp tình hình thực tế. Ban Quản lý Các KCN tỉnh phối hợp tốt với DN xây dựng quy trình khép kín cho công nhân trở lại làm việc, an toàn, bảo đảm nguồn nhân lực cho DN sản xuất trở lại...”.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái.

Thông tin từ Ban Quản lý Các KCN tỉnh, đến ngày 19/6, Tổ công tác của tỉnh đã thẩm định và chấp thuận cho 146 DN với hơn 22 nghìn lao động đủ điều kiện trở lại làm việc. 

Tuy nhiên mới có gần một nửa số DN này hoạt động với 12 nghìn công nhân làm việc. Nhiều đơn vị đủ điều kiện vận hành nhưng không có hoặc rất ít lao động nên hoạt động chưa hết công suất, hiệu quả không cao. Đơn cử, Công ty TNHH Siflex Việt Nam, KCN Quang Châu cần 870 công nhân nhưng mới có 500 người. Công ty TNHH Fuhong Precision Component Việt Nam mới có khoảng 1,6 nghìn/5 nghìn lao động theo nhu cầu trong tháng 6…

Nguyên nhân là do khi dịch bùng phát, người lao động đã nghỉ việc, được đón về quê hoặc đang ở trong các khu cách ly tập trung, chưa đủ điều kiện về bảo đảm an toàn dịch khi trở lại nhà máy làm việc. Một số địa phương gặp khó khi xác nhận cho công nhân "sạch bệnh". 

Một bộ phận lo ngại môi trường DN chưa thực sự an toàn với dịch Covid-19 nên chưa sẵn sàng quay lại. Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Nguyễn Văn Bằng thông tin, huyện có hơn 4,8 nghìn công nhân trong KCN. Lạng Giang tạo điều kiện tối đa, chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với DN xác nhận cho công nhân đủ tiêu chí đi làm nhưng nhiều lao động muốn nghỉ đến hết dịch. 

Công nhân Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang, KCN Vân Trung làm việc tại xưởng.

Công nhân Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang, KCN Vân Trung làm việc tại xưởng.

Vì thế đến nay, toàn huyện mới xác nhận được 69% tổng số công nhân của huyện. Bí thư Thành ủy Bắc Giang Vũ Trí Hải cho biết: “Trên cơ sở danh sách công nhân của DN gửi về địa bàn, bộ phận chuyên trách của TP tích cực phối hợp gọi điện, nắm bắt thông tin và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để công nhân đi làm trở lại. Vậy nhưng, nhiều người không bắt máy, có một số từ chối, không mặn mà trở lại nhà xưởng vào lúc này”.

Ngoài những khó khăn từ người lao động, phía các DN cũng thiếu các điều kiện để bảo đảm cho an toàn phòng dịch, sản xuất ổn định. Theo hướng dẫn của tỉnh về tổ chức lại sản xuất thì DN phải có đủ các điều kiện để công nhân ăn, ở bảo đảm an toàn dịch bệnh nhưng không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được. DN không có ký túc xá, nhà xưởng chật hẹp do chưa lường đến tình huống dịch bệnh, không thể bố trí nơi ăn, nghỉ cho công nhân. 

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh cho biết, qua thẩm định điều kiện an toàn về phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 của DN trong KCN cho thấy, hầu hết các công ty khó bố trí khu nhà ở cho người lao động tại DN. Hiện nay, để sản xuất trở lại, những DN không có ký túc xá cho lao động thì trước mắt phải cải tạo nhà xưởng, văn phòng, chuẩn bị các điều kiện thiết yếu như chăn, gối… cho công nhân ở lại.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy, cán bộ phòng nhân sự Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam, KCN Đình Trám phản ánh, trước khi có dịch, Công ty có 500 công nhân. Người lao động tan ca phần nhiều ở nhà trọ trong khu dân cư gần nhà máy. Nay thực hiện quy định về PCD, DN dành hơn 200 triệu đồng cải tạo khu nhà xưởng để bố trí cho khoảng 100 công nhân nghỉ lại. 

Đến nay, DN đã đón 80 công nhân vào nhà máy làm việc. Tương tự, Công ty TNHH Seojin Việt Nam, KCN Song Khê-Nội Hoàng cũng gặp trở ngại trong việc bố trí chỗ ở cho công nhân tại DN.

Chính quyền hỗ trợ, doanh nghiệp chủ động

Sau hơn một tháng tổng tiến công, Bắc Giang đã thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của dịch và hướng tới khống chế, dập dịch hoàn toàn. Đây là đợt dịch thứ 4 nhưng khó có thể khẳng định dịch sẽ không tiếp tục xảy ra. Vì vậy, dù khôi phục sản xuất trong bất cứ trường hợp nào thì PCD cũng cần quan tâm hàng đầu.

 

Trước khó khăn của DN do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Thuế đang triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và tiền thuê đất năm 2021 cho DN.

 

Hiện nay, tỉnh chuẩn bị bước vào trạng thái bình thường mới, cần có giải pháp trước mắt và lâu dài trong KCN. Để giải bài toán về nhân lực cho DN thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng các đơn vị nên nghiên cứu, tìm hướng liên kết với những DN chuyên làm dịch vụ chăm lo cho công nhân về nhà ở và các điều kiện khác. 

DN có thể thuê trọn gói các khu nhà trọ bên ngoài KCN cho công nhân, đồng thời phối hợp trong việc đưa đón, quản lý để bảo đảm an toàn dịch. Cách làm này sẽ giảm áp lực về đầu tư xây dựng nơi cư trú tạm thời cho công nhân trong DN. Cùng với đó, các địa phương, sở, ngành liên quan tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân được xét nghiệm, tiêm phòng vắc-xin thuận lợi, yên tâm trở lại làm việc.

Về phòng dịch trong DN, cần tập trung theo hướng chính quyền phòng dịch trong KCN, DN lo sản xuất và phải bảo đảm các điều kiện cho hoạt động phòng, kiểm soát dịch trong đơn vị; phát huy vai trò tổ Covid trong DN, xử lý nhanh các tình huống.

Về lâu dài, cần đẩy nhanh tiến độ dự án xây nhà ở công nhân, bảo đảm an cư, dễ dàng kiểm soát dịch bệnh cho người lao động, đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh. Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh đề xuất, DN cần bố trí nhà xưởng, nhà ăn có vách ngăn; thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả các tổ phòng, chống Covid-19; bố trí nơi ở tạm cho lao động dịp này. Khẩn trương đầu tư các ký túc xá, nhà ở công nhân, khu thương mại, dịch vụ thiết yếu phục vụ công nhân trong KCN để phòng dịch và ổn định cuộc sống cho công nhân.

Cùng với đó, để giúp các DN vượt khó, một số giải pháp về vốn, giảm, giãn trả nợ ngân hàng, nộp thuế cần được tính đến. Chính quyền, ngành chức năng tổ chức gặp mặt, lắng nghe kiến nghị đề xuất của DN để tháo gỡ kịp thời khó khăn. Ngành bảo hiểm xã hội quan tâm xem xét cho chậm nộp để DN có điều kiện trả lương người lao động, tái sản xuất. 

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn DN khi mở cửa trở lại, hoàn thiện mô hình DN an toàn, KCN an toàn trong điều kiện có dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trước mắt cũng như lâu dài.

Chủ động trong chỉ đạo, định hướng khôi phục sản xuất, mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về thực hiện “mục tiêu kép” vừa PCD Covid-19, vừa phát triển KT-XH; xác định rõ 9 nhiệm vụ trọng tâm. Phát biểu tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái nhấn mạnh, bước sang giai đoạn mới, Bắc Giang xây dựng Kế hoạch cao điểm tổng tiến công dập dịch. 

Đồng chí lưu ý phải vừa PCD, vừa tập trung cho phát triển sản xuất, phục hồi tăng trưởng. Để làm được điều này, các địa phương nghiên cứu, đưa ra giải pháp phù hợp trong tình hình thực tế. Ban Quản lý Các KCN tỉnh phối hợp tốt với DN xây dựng quy trình khép kín cho công nhân trở lại làm việc, an toàn, bảo đảm nguồn nhân lực cho DN sản xuất trở lại.

Đồng bộ nhiều giải pháp được thực hiện và đây cũng là cơ hội để Bắc Giang cơ cấu lại tổ chức sản xuất trong và ngoài KCN, xây dựng mỗi DN là một “pháo đài” chống dịch, cả KCN sẽ là “pháo đài” lớn, vượt “bão” thành công, đóng góp cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Nhóm PVKT).

Các tin liên quan