Sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất - Bài 1: Doanh nghiệp đóng cửa và những hệ lụy

(BGĐT) - Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vô cùng lớn. Từ “điểm sáng” trung tâm công nghiệp lớn, tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước, từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều chỉ tiêu về kinh tế của tỉnh giảm; đáng lo ngại là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dịch “đánh” vào trung tâm công nghiệp

Trong quý I/2021, Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế 17,96%, cao nhất từ trước đến nay và tiếp tục đà tăng trưởng trong tháng 4. Tuy nhiên, sang tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát diện rộng, đặc biệt là ở Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung và Quang Châu, huyện Việt Yên đã ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của tỉnh. Số ca lây nhiễm tăng nhanh, lan rộng, nhất là tại các doanh nghiệp (DN) ở KCN Quang Châu đã hình thành các ổ dịch lớn tại Bắc Giang, trong đó Việt Yên là tâm dịch lớn nhất cả nước với hàng nghìn ca nhiễm Covid-19.

Hàng trăm DN trong KCN phải dừng hoạt động do dịch Covid-19.

Hàng trăm DN trong KCN phải dừng hoạt động do dịch Covid-19.

Theo Cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm 40,9% so với tháng trước đó, giảm 33,3% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn đều giảm, đáng chú ý ngành sản xuất linh kiện điện tử giảm 53,6% so với tháng 4, giảm 46,9% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh ước đạt 10,2%, giảm gần 8% so với quý I.

Nguyên nhân chính là do Bắc Giang phải tạm dừng hoạt động 4 KCN: Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đánh giá, dịch ở Bắc Giang nguy hiểm và chưa có tiền lệ ở địa phương nào trong cả nước. Tại TP Đà Nẵng hay tỉnh Hải Dương, dịch Covid-19 bùng phát ở cụm công nghiệp (CCN) hoặc KCN nhưng quy mô nhỏ, lượng công nhân trong DN ít nên việc khoanh vùng, dập dịch thuận lợi hơn. 

Bắc Giang, sản xuất, chống dịch, doanh nghiệp đóng cửa, hệ lụy, Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu

Trước khi dịch bùng phát, Bắc Giang đang là “đầu tầu” tăng trưởng kinh tế của cả nước, có trung tâm công nghiệp lớn, đóng góp lớn với kinh tế của đất nước. Vì vậy, việc dừng sản xuất của các DN trong KCN kéo dài không chỉ thiệt hại về kinh tế cho chính các DN, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mà còn có nguy cơ làm đứt gãy các hoạt động kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

Còn tại Bắc Giang xảy ra tại KCN quy mô lớn, có nhiều DN có hàng vạn công nhân. Điểm khác biệt nữa là 4 KCN của tỉnh ở gần nhau nên khi dịch bùng phát đã lây lan nhanh, gây thiệt hại rất lớn. Lần đầu tiên Bắc Giang phải đương đầu với đại dịch Covid-19 nên chưa có kinh nghiệm, bài học để ứng phó. Trong tình huống cấp bách, ngay sau cuộc họp trực tuyến vào tối 17/5 với một số DN trong KCN, tỉnh quyết định đóng cửa cùng lúc 4 KCN bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/5. Như vậy, tháng 5 các DN trong những KCN này chỉ sản xuất khoảng 2 tuần.

Theo số liệu của Ban Quản lý Các KCN tỉnh, có hơn 340 DN phải dừng sản xuất, trong đó nhiều DN lớn, mỗi năm giá trị sản xuất công nghiệp hàng nghìn tỷ đồng như các Công ty TNHH: Fuhong Precision Component, Hosiden Việt Nam, Si Flex Việt Nam, Vina Solar Technology...

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu

Dừng sản xuất đồng nghĩa các DN không thực hiện được đúng cam kết như hợp đồng đã ký, thậm chí bị hủy hoặc phạt hợp đồng dẫn đến nhiều DN lâm vào khó khăn. Đánh giá sơ bộ, sau 11 ngày ngừng hoạt động của DN trong KCN, thiệt hại ban đầu riêng về giá trị sản xuất khoảng 19.500 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại DN bị phạt hợp đồng do chậm giao hàng, số lượng đơn hàng bị cắt giảm hoặc hủy bỏ. Thiệt hại trực tiếp cho các DN mỗi ngày ước hơn 2 nghìn tỷ đồng. Đại diện Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam nêu, đơn vị có 10 nghìn lao động, mỗi một ngày dừng hoạt động cùng với chậm đơn hàng, DN bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Người lao động Công ty TNHH Fuhong Precision Component được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Người lao động Công ty TNHH Fuhong Precision Component được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, trước khi có dịch, Bắc Giang là “đầu tầu” tăng trưởng kinh tế của cả nước, có trung tâm công nghiệp lớn, đóng góp lớn với kinh tế của đất nước. Vì vậy, việc dừng sản xuất của các KCN kéo dài không chỉ thiệt hại cho chính DN, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mà còn có nguy cơ làm đứt gãy các hoạt động kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi lẽ, hiện trong KCN có nhiều dự án của các DN sản xuất linh phụ kiện phụ trợ chính (vender cấp 1) cung cấp cho các hãng lớn như Samsung, Apple, LG… ở nhiều tỉnh, TP trong toàn quốc và nước ngoài.

Nhiều DN quy mô lớn, có tên tuổi trên thế giới như: Foxconn, Luxshare, Goertek, Hosiden, Samkwang Vina, Seojin… đều có cơ sở sản xuất tại Bắc Giang, sản lượng sản xuất hàng năm rất lớn. Năm ngoái, các DN ở Bắc Giang đóng góp 11,2 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, riêng xuất khẩu đồ điện tử đạt hơn 3,1 tỷ USD, thiết bị điện thoại hơn 2,95 tỷ USD, thiết bị điện, pin năng lượng mặt trời trên 2,26 tỷ USD.

Hơn 160 nghìn công nhân tạm nghỉ việc

Dịch diễn biến phức tạp không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN mà hơn 160 nghìn lao động phải nghỉ việc, trong đó khoảng 67 nghìn lao động ngoại tỉnh. Ước tính, người lao động bị mất nguồn thu nhập do phải nghỉ việc, bình quân khoảng 45 tỷ đồng/ngày. Chị Nguyễn Thị Mến, quê tỉnh Đắk Lắk, ở trọ tại thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung (Việt Yên) mới đến Bắc Giang làm việc được vài ngày thì dịch xảy ra. DN ngừng hoạt động, chị phải nghỉ việc. Khi khu nhà trọ bị cách ly, phong tỏa chị không thể về quê, người nhà cũng chẳng đến tiếp tế được, cuộc sống của chị trông chờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương.

Khi dịch bùng phát, tỉnh kêu gọi hơn 60 nghìn công nhân ở 61 tỉnh, TP khác đang làm việc tại KCN ở lại Bắc Giang để dịch không lây lan ra cả nước. Tuy vậy, số lượng công nhân ở lại tỉnh rất lớn đặt ra gánh nặng, áp lực trong việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người lao động.

Lực lượng phòng hóa Quân khu 1 phun khử khuẩn tại KCN Quang Châu.

Lực lượng phòng hóa Quân khu 1 phun khử khuẩn tại KCN Quang Châu.

Ngoài DN trong KCN, theo Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn, Bắc Giang hiện có 30/45 CCN đang hoạt động với 45 nghìn lao động; 127/242 DN trong CCN ngừng hoạt động; ước tính khoảng 20 nghìn công nhân nghỉ làm. Dịch còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều công ty ngoài KCN và các DN thuộc địa bàn đang thực hiện cách ly xã hội. Ông Nguyễn Hữu Phải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Bắc Giang BGG cho biết, khoảng 1 tuần trở về trước, DN phải dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, tất cả công nhân, người lao động phải nghỉ việc dẫn đến nhiều đơn hàng không hoàn thành theo hợp đồng đã ký. Ước tính mỗi ngày, DN thiệt hại 1,2-1,5 tỷ đồng. 

Mặc dù thời điểm này, DN đã hoạt động trở lại song công nhân quay lại nhà máy chỉ được khoảng 1.100/1.900 lao động. Số còn lại chủ yếu ở các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội, một phần thuộc trường hợp cách ly nên chưa trở lại làm việc ngay được. Thực tế này khiến DN phải sắp xếp lại các dây chuyền sản xuất vì thiếu lao động, kéo theo đó năng suất giảm 30% so với trước đây. Tương tự, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong thời điểm này có 60% số công nhân đi làm trong tổng số 7 nghìn người, ảnh hưởng đến tiến độ các đơn hàng đã ký.

Sản xuất, kinh doanh ngưng trệ dẫn tới thu ngân sách của tỉnh giảm. Riêng DN trong 4 KCN dừng hoạt động, ngân sách nhà nước mỗi ngày thất thu khoảng 16 tỷ đồng. Trước thực tế này, Cục Thuế tỉnh đang tập trung hướng dẫn các DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 có đơn đăng ký qua hệ thống điện tử để được giãn thời gian nộp thuế theo quy định của Chính phủ

(Còn nữa)

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Nhóm PVKT).

Các tin liên quan