Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

 

    Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

    Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

    Theo đó, việc xây dựng Nghị định nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định đã được quy định tại các luật, nghị định mới được ban hành, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật về kế hoạch và đầu tư được tổ chức thi hành đồng bộ, hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp, không có căn cứ để xử phạt. Đồng thời, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tạo cơ sở pháp lý, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính của toàn ngành.

    Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

    Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là hành vi vi phạm pháp luật có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện mà không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự và được quy định tại Nghị định này, bao gồm: Vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)); Vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu; Vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; Vi phạm quy định trong lĩnh vực quy hoạch. Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

    Nghị định được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

    Nghị định quy định rõ mức phạt tiền tối đa đối với từng lĩnh vực, theo đó: lĩnh vực đầu tư là 300.000.000 đồng; lĩnh vực đấu thầu là 300.000.000 đồng; lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100.000.000 đồng; lĩnh vực quy hoạch là 500.000.000 đồng.

    Nghị định cũng quy định cụ thể về thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm...

    Sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền xử phạt của các chức danh đảm bảo phù hợp với mức xử phạt tối đa của từng lĩnh vực; phân định thẩm quyền xử phạt của các cơ quan đảm bảo khách quan, minh bạch.

    Nghị định gồm 07 Chương 82 Điều và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022./.

    Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Các tin liên quan