Quản lý chặt chẽ hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân

(BGĐT) - Sáng 13-6, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị triển khai Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và bàn biện pháp phát triển QTDND trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, TP, các xã, phường, thị trấn có QTDND; hội đồng quản trị các QTDND. 

Tại Chỉ thị số 06, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp chính nhằm củng cố vững chắc QTDND. Đó là thực hiện tốt Đề án: “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”; nâng cao năng lực, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành quỹ. Tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm ngăn ngừa hạn chế; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các QTDND yếu kém….

Sau khi triển khai Chỉ thị, hội nghị dành phần lớn thời gian bàn biện pháp phát triển QTDND trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, toàn tỉnh hiện có 21 QTDND, trong đó có 19 quỹ đang hoạt động bình thường, 1 quỹ trong quá trình thanh lý, 1 quỹ bị kiểm soát đặc biệt. 

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hiệp Hòa thảo luận tại hội nghị về công tác quản lý hoạt động của QTDND.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hiệp Hòa thảo luận tại hội nghị về công tác quản lý hoạt động của QTDND.

Qua thảo luận, các ý kiến đã làm rõ một số hạn chế của QTDND trên địa bàn. Cụ thể, Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của hầu hết các quỹ làm việc chưa tập trung, còn yếu về khả năng kiểm tra, giám sát nên không phát hiện được sai sót, vi phạm trong hoạt động. 

Một số QTDND cho khách hàng vay vốn nhưng trong hồ sơ không có phương án sử dụng vốn như QTDND các xã: Lam Cốt (Tân Yên), Thái Đào (Lạng Giang), phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang). QTDND thị trấn An Châu (Sơn Động), xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa), Lan Mẫu (Lục Nam)… trong hồ sơ cho vay còn có thông tin sai sót, tẩy xóa, thiếu giấy tờ chứng minh khách hàng đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề... 

Đặc biệt, toàn tỉnh có 14/19 quỹ có nợ xấu. Hết năm 2018,  tổng nợ xấu của toàn hệ thống QTDND trên địa bàn hơn 19 tỷ đồng, chiếm 1,17% tổng dư nợ cho vay, tăng 16% so với thời điểm 31-12-2017. Nhiều nơi có nợ xấu cao như QTDND: Thị trấn Chũ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn), xã Tân An (Yên Dũng), thị trấn An Châu (Sơn Động)…

Để khắc phục những bất cập nêu trên, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, TP quán triệt và thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị số 06. Riêng Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cần tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan để quản lý chặt chẽ hoạt động của các QTDND.

Đồng thời thường xuyên rà soát, thanh tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các QTDND hoạt động yếu kém và cán bộ vi phạm pháp luật. Đặc biệt là giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện phương án cơ cấu xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các quỹ; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, kiểm soát nội bộ.

Đồng chí cũng yêu cầu các QTDND tập trung khắc phục triệt để các tồn tại, vi phạm, rủi ro được phát hiện thông qua công tác thanh tra, giám sát; khẩn trương rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định nội bộ còn thiếu; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức chấp hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ. 

Đi liền đó là tăng cường công tác thẩm định, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ vay vốn; thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, nợ xấu; thực hiện nghiêm túc phương án xử lý nợ xấu. Tiếp tục gắn trách nhiệm của Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ theo quy định nhằm cảnh báo sớm rủi ro, vi phạm pháp luật trong hoạt động....

Theo: Minh Linh (Báo Bắc Giang Điện Tử)

Các tin liên quan