Phòng, chữa cháy rừng: Cấp huyện, xã có phương án cụ thể

(BGĐT) - Mùa khô năm 2020-2021, dự báo thời tiết diễn biến khó lường. Vì thế, ngành chức năng và chính quyền các địa phương có rừng trong tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), đầu tư nguồn lực để bảo vệ rừng an toàn trong mùa khô.

Người dân thôn Yên Tập, xã Yên Lư (Yên Dũng) phát thực bì PCCCR.

Người dân thôn Yên Tập, xã Yên Lư (Yên Dũng) phát thực bì PCCCR.

Những năm gần đây, số vụ cháy rừng tại Bắc Giang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, vào mùa khô 2019-2020, tình hình cháy rừng lại có diễn biến phức tạp, tăng cả số vụ cháy và diện tích thiệt hại. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, thiệt hại 6,2 ha, tăng 3 vụ và 3 ha so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 4 vụ tại Yên Dũng; tại Lục Nam, Việt Yên và Yên Thế mỗi huyện xảy ra 1 vụ. Vụ cháy rừng tại bản Đèo Cà, xã Đồng Hưu (Yên Thế) đã khiến 1 người tử vong.

Nguyên nhân các vụ cháy được xác định là do người dân bất cẩn khi sử dụng lửa khi dọn thực bì và đốt ong. Hiện 6/7 vụ cháy này cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm để xử lý. Ông Lã Mạnh Cường, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Dũng nhận định: “Việc bảo vệ rừng khỏi các vụ cháy phần lớn phụ thuộc vào ý thức của chủ rừng và người dân. Các vụ cháy rừng tại Yên Dũng có chiều hướng diễn biến phức tạp, bởi rừng phòng hộ nơi đây không tạo ra nguồn thu cho các chủ rừng nên rừng không được bảo vệ tốt”.

Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ cháy rừng trong tỉnh gần đây đều là rừng phòng hộ hoặc rừng tự nhiên. Trong đó, có nhiều vụ đốt, phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng rừng kinh tế. Điều này đòi hỏi cấp có thẩm quyền cần có những biện pháp, chính sách phù hợp để chủ rừng có trách nhiệm hơn với các diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ.

Nhằm bảo vệ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, từ cuối tháng 8/2020, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm các huyện, TP tham mưu với UBND cùng cấp xây dựng phương án PCCCR mùa khô năm 2020-2021. Đồng thời tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là việc bảo vệ, PCCCR đến người dân, chủ rừng. Đến thời điểm này, UBND các huyện có rừng trong tỉnh đã ban hành phương án PCCCR phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương. 

Trong đó, Lục Nam là đơn vị ban hành kế hoạch sớm nhất. Ông Nguyễn Minh Hải, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Nam cho biết, địa phương có hai dãy núi lớn là Yên Tử và Huyền Đinh chạy qua theo hình lòng chảo, chia địa hình huyện thành 3 vùng rõ rệt là miền núi, trung du và đồng bằng. Do đó, mùa khô ở đây độ ẩm, nhiệt độ xuống thấp, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. 

Vì thế, huyện Lục Nam đã xác định rõ các nguy cơ cháy, thời gian dễ cháy, vùng trọng điểm cháy… để đề ra giải pháp phòng ngừa với các phương án cụ thể. Bao gồm, các quy trình chữa cháy rừng từ các thôn đến cấp xã và huyện. Xây dựng phương án xử lý tình huống cháy rừng ở từng cấp để triển khai thực hiện. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện còn xây dựng quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng với các địa phương giáp ranh: Lục Ngạn, Sơn Động và huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Xác định là vùng trọng điểm cháy rừng nên ngoài rút kinh nghiệm vụ cháy rừng tại xã Tân Liễu và thị trấn Nham Biền cuối năm 2019, mùa khô 2020-2021 UBND huyện Yên Dũng đã ban hành Chỉ thị với các nội dung, phần việc cụ thể giao cho đơn vị chức năng, các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện. 

Để thực hiện Chỉ thị này, Đảng ủy 5 địa phương trọng điểm cháy rừng, gồm: Tân Liễu, Yên Lư, Nội Hoàng và thị trấn Nham Biền đã xây dựng các Nghị quyết chuyên đề về công tác PCCCR. UBND huyện cũng yêu cầu 100% các xã, thị trấn trên địa bàn, mỗi xã phải xây dựng 1 đội chữa cháy rừng cấp xã (từ 20-30 người, nòng cốt là lực lượng cán bộ, công chức xã) do Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chỉ huy. Bảo đảm khi có cháy rừng xảy ra huyện phải huy động được lực lượng tại chỗ từ 400-500 người tham gia chữa cháy…

Ông Từ Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, nét mới trong công tác PCCCR mùa khô năm nay là UBND cấp huyện xây dựng và ban hành phương án PCCCR. Theo đó, các xã, thị trấn có rừng cũng xây dựng phương án phù hợp. Cùng với chuẩn bị các phương án PCCCR, hiện các địa phương đang tích cực phát dọn thực bì, đường băng cản lửa và tu bổ các công trình PCCCR. 

Chi cục in, cấp phát hàng nghìn tờ rơi, áp phích tuyên truyền tới người dân, trường học về bảo vệ và PCCCR. Ngoài nguồn vốn của các huyện, TP đầu tư cho PCCCR, năm nay UBND tỉnh cấp kinh phí 5 tỷ đồng từ nguồn vốn cấp bách dùng cho PCCCR để tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện chữa cháy rừng. “Hiện Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng xong Kế hoạch PCCCR giai đoạn 2021-2025, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Với kế hoạch này, những năm tới các diện tích rừng của tỉnh sẽ được bảo vệ tốt hơn”, ông Huy nói.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Thế Đại).

Các tin liên quan