Nông dân Nguyễn Bá Hữu: Thu bạc tỷ từ đầm lầy

(BGĐT) - Bằng sự nhạy bén, hăng say lao động, ông Nguyễn Bá Hữu (SN 1964) ở thôn Đầm Lác, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã cải tạo đầm lầy thành trang trại VAC với thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ngoài ra, ông còn sáng tạo ra nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật hữu ích ứng dụng trong sản xuất. 

Bán 55 cây vàng đầu tư nuôi lợn

Vượt qua hàng chục cây số từ TP Bắc Giang, chúng tôi tìm đến trang trại nhà ông Nguyễn Bá Hữu. Trang trại nằm cuối làng, xung quang bao bọc bằng tường gạch và rắc vôi bột trắng xóa.

Ông Nguyễn Bá Hữu cùng hai con tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.

Ông Nguyễn Bá Hữu cùng hai con tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.

Tác phong nhanh hẹn, vừa mở cổng, ông Hữu vừa dắt xe máy của khách và đưa cho quần áo, giày dép bảo hộ đã được khử. Ông Hữu vui vẻ nói: “Mọi người thông cảm, ở đây gia đình tôi rất ít tiếp khách. Ngày thường, khu vực chăn nuôi chỉ có công nhân và hai vợ chồng tôi trông nom; đang lúc dịch bệnh nên càng phải cẩn thận”.

Pha ấm trà nóng mời khách, ông bảo khu này 15 năm trước là đầm lầy "trâu, bò hễ sa chân vào là chết". Vậy mà một nông dân như ông đã sẵn sàng bỏ hết vốn liếng vào đây để xây dựng trang trại rộng lớn. Khu trang trại được bố trí khoa học. Hơn 700 ô chuồng nuôi lợn xây theo thiết kế hiện đại, sàn lát xi măng tạo độ dốc thoát nước. Tại đây có các vòi nước tự động cho lợn uống; quạt thông gió, điều hòa, bóng điện... được trang bị đầy đủ đáp ứng mọi điều kiện thời tiết.

Tại đây, ông xây căn nhà phục vụ hai mươi nhân công cùng vợ chồng ông hằng ngày làm việc, ăn, ngủ. Từ khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông càng giám sát nghiêm ngặt việc ra vào trang trại, chăm sóc đàn vật nuôi cẩn thận. Hiện hơn 3,5 nghìn con lợn đang lớn từng ngày, da hồng hào. Trung bình, khoảng 5 tháng ông xuất chuồng một lứa từ 1-2 nghìn con. Dự kiến từ nay đến Tết, ông bán gần 2 nghìn con, với giá cao như hiện nay, chủ trang trại thu lãi cả tỷ đồng.

Được biết, cùng với nuôi lợn, gần chục năm qua ông Hữu tận dụng chất thải để nuôi cá, thuê thêm đất trong làng trồng hơn 3 nghìn cây lấy gỗ, cây ăn quả các loại như: Xà cừ, sưa, mít, bưởi. Riêng 200 cây sưa 9 năm tuổi đang được khách trả giá trung bình từ 8-10 triệu đồng/cây.

Nhìn vào trang trại VAC của gia đình ông Hữu, ai cũng thấy đây là mô hình mơ ước. Để có được thành quả này, ông chủ trang trại trải qua bao khó khăn, vất vả. Ông sinh ra trong gia đình thuần nông đông anh em, ngay từ nhỏ đã phải sống tự lập. Năm 1988, ông lập gia đình, được bố mẹ cho ra ở riêng. Cuộc sống ngày một eo hẹp khi 4 người con lần lượt ra đời.

Ông Hữu từng ngược xuôi Nam Bắc làm bao nghề từ kinh doanh vật tư nông nghiệp đến mua xe ô tô chở vật liệu xây dựng, cai thầu; có thời gian dài ông buôn chuối xanh từ các tỉnh phía Nam sang tận Trung Quốc. Rong ruổi nhiều năm nghề lái xe đường dài, năm 2005 ông vào Bình Dương giải quyết việc riêng.

Hơn một tháng ở trong đó, tình cờ ông Hữu bắt gặp một khu trang trại rộng hàng nghìn mét vuông, xây dựng khang trang, cổng có bảo vệ gác cẩn thận. Ông hỏi ra mới biết đó là nơi chăn nuôi lợn. Thấy vậy, ông tò mò tìm đủ cách nhờ người gác cổng dẫn vào xem. Mắt thấy tai nghe, ông kinh ngạc bởi đàn lợn 500 con chỉ một người chăm.

Trở về nhà, hình ảnh trang trại rộng lớn cứ trở đi trở lại trong đầu. Cả tháng trời ông suy tính thấy nghề lái xe lắm rủi ro; trong khi quê mình đồng đất rộng, sao không phát triển kinh tế ? Vậy là ông quyết bỏ nghề lái xe. Nhưng khi bàn với vợ xây dựng mô hình làm ăn mới, ông bị phản đối kịch liệt. 

Biết tính vợ, ông chờ bà vắng nhà liền lấy 55 cây vàng tích cóp được từ trước mang bán để mua hơn 64 nghìn m2 đất khu hồ Đầm Lác của 100 hộ dân trong thôn. Ông dẫn thợ đến ngày đêm đổ đất, cải tạo, xây dựng chuồng trại.

“Ngày ấy, vợ chồng tôi một thời gian dài không nói chuyện với nhau chỉ vì tôi tự ý lấy vàng mang bán. Suốt 3 tháng, tôi một mình ngày đêm làm việc cật lực trên khu Đầm Lác, đến khi tôi bị trượt ngã bị đau chân, lúc đó vợ tôi mới thương và qua làm giúp”, ông Hữu nhớ lại.

Khi trang trại chăn nuôi hoàn thiện đi vào hoạt động, lứa lợn đầu tiên ông nuôi 500 con, sau 5 tháng được xuất chuồng, lãi hàng chục triệu đồng. Thấy có lợi nhuận khá, ông tiếp tục vay mượn tiền mở rộng quy mô gấp đôi. Cứ thế, trang trại chăn nuôi lớn dần như ngày hôm nay.

Nông dân nhiều sáng kiến

Gia đình ông Nguyễn Bá Hữu đang nuôi hơn 3,5 nghìn con lợn thương phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Bá Hữu đang nuôi hơn 3,5 nghìn con lợn thương phẩm.

“Đến với nghề nuôi lợn chắc đó là cái duyên, bởi trong bao nhiêu thứ nghề mình lại chỉ “say” mỗi con lợn. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại thế”, ông Hữu bộc bạch. Xác định chăn nuôi, trồng trọt đều có thể gặp rủi ro nên trong quá trình chăm sóc, ông luôn tìm tòi phương pháp làm sao giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu tư, chú trọng khâu phòng dịch bệnh.

Năm 2017, giá lợn xuống thấp, khi ấy trong chuồng đang nuôi vài nghìn con; hằng ngày cứ mở mắt ra là lỗ cả chục triệu đồng. Sót ruột, ông tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và khí biogas để nấu cám, tiết kiệm được 500 nghìn đồng/ngày.

Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường, vợ chồng ông Hữu còn đầu tư tiền tỷ vào hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Với hệ thống này, phân được tách ra khỏi chất lỏng. Sau đó ủ bằng vôi, chờ khô thì đóng bao và bán cho các hộ trồng trọt. Ý tưởng này của ông đã đoạt giải Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông cấp tỉnh.

Quyết liệt trong phòng dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, mặc dù các hộ dân nuôi lợn trong thôn bị nhiễm dịch tả châu Phi nhưng đàn lợn của gia đình ông Hữu vẫn khỏe mạnh.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông đã giúp về giống, vốn, kiến thức, cho vay tiền không lấy lãi đối với 21 hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Đồng thời, ông tích cực ủng hộ kinh phí cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Các tin liên quan