Nhìn lại vụ vải thiều 2019: Tăng chất lượng, hiệu quả

(BGĐT) - Vụ vải thiều năm nay, người trồng vải đã giành thắng lợi. Bà con vượt qua bất lợi về thời tiết, sản lượng giảm để có được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Chất lượng bù sản lượng

Những ngày này, gia đình ông Phan Văn Thái ở thôn Phì, xã Phì Điền (Lục Ngạn) đang thu hoạch nốt vườn vải. Nhẩm tính sau những ngày vất vả, ông Thái nói mà không giấu nổi niềm vui: “Gần 30 năm trồng vải nhưng chưa năm nào bán được giá như vụ này, tuy một số cây ra quả kém hoặc không cho quả nhưng vườn nhà tôi vẫn thu được khoảng 8 tấn. Giá bán từ 45-55 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu lớn, bù đắp sản lượng bị giảm”.

Vườn vải thiều VietGAP của gia đình ông Phan Văn Thái, thôn Phì, xã Phì Điền (Lục Ngạn).

Vườn vải thiều VietGAP của gia đình ông Phan Văn Thái, thôn Phì, xã Phì Điền (Lục Ngạn).

Sau khi thu hoạch, ông Thái bắt tay vào chuẩn bị cho vụ sau bằng cách tỉa cành, bón phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để vệ sinh vườn, phòng chống bệnh cho cây.

Thành công của gia đình ông Thái và những hộ dân trồng vải khác trên địa bàn huyện Lục Ngạn được thấy rõ ở những điểm giao dịch tại các ngân hàng thương mại, lượng người đến gửi tiền tăng đột biến, xếp hàng từ sáng sớm đến trưa. 

Các cửa hàng bán đồ gia dụng, vàng bạc, điện tử, máy nông cụ, vật liệu xây dựng… cũng đông không kém.

Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho hay, ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ thương hiệu, uy tín sản phẩm vải thiều. 

Các biện pháp kỹ thuật tiên tiến kết hợp cùng với kinh nghiệm lâu năm của người sản xuất đã giúp vải thiều có chất lượng đồng đều, đẹp nhất từ trước đến nay.

Điều này đã mang đến thành công ngoài mong đợi trong vụ vải thiều này, dù sản lượng giảm hơn năm ngoái nhưng giá trị cây vải và các dịch vụ phụ trợ lại tăng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Với giá bán bình quân 35,8 nghìn đồng/kg, vụ vải thiều 2019 huyện Lục Ngạn ước thu được 3,282 nghìn tỷ đồng.Huyện Lục Ngạn đang duy trì hơn 15 nghìn ha vải thiều. Đáng chú ý là diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP không ngừng mở rộng, đạt 12 nghìn ha, sản lượng gần 77 nghìn tấn. Năm nay cũng là lần đầu tiên Lục Ngạn có 20 ha trồng vải thiều hữu cơ, giá bán 200 nghìn đồng/hộp 12 quả. Số liệu mới nhất cho thấy, toàn tỉnh đã thu hoạch gần 150.000 tấn vải, thấp hơn vụ trước nhưng doanh thu lại cao hơn năm ngoái. Giá trị bình quân 230 triệu đồng/ha, xác lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Tìm hiểu tại một số địa phương khác trong tỉnh cũng thấy sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng. 

Đơn cử như huyện Lục Nam có 5,9 nghìn ha, trong đó 1,3 nghìn ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá bán vải thiều sớm 25-55 nghìn đồng/kg, vải chính vụ 15-45 nghìn đồng/kg. 

Huyện Tân Yên nổi tiếng với sản phẩm vải sớm, diện tích 1,35 nghìn ha, trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 306 ha, tăng 60 ha so với năm trước; sản lượng đạt hơn 13 nghìn tấn, với giá bán dao động 20-35 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu lớn cho người trồng vải.

Kinh nghiệm cho những vụ sau

Một trong những yếu tố mang lại thành công của vụ vải thiều năm nay là UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều. 

Tiêu biểu là Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản năm 2019 được tổ chức vào cuối tháng 5.  

Cùng đó là các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở Bằng Tường (Trung Quốc) và Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… 

Qua đó đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút hàng nghìn doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước về Bắc Giang kết nối, tiêu thụ vải thiều với giá cao. Thống kê cho thấy đã có hơn 500 lượt thương lái Trung Quốc đến đặt điểm cân thu mua tại huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên.

Người tiêu dùng Hà Nội với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn.

Người tiêu dùng Hà Nội với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn.

Quả vải thiều Bắc Giang còn xuất hiện tại nhiều thị trường khác qua con đường chính ngạch như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thuộc khu vực Trung Đông, EU…

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) nói: Bên cạnh thắng lợi trong xuất khẩu, vải thiều Bắc Giang cũng được tiêu thụ trên cả nước, người tiêu dùng biết đến ngày càng nhiều hơn, thông qua các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn như Saigon Co.opMart, Big C, Hapro… và một số chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), Dầu Giây (Đồng Nai). 

Quả vải vươn đến không chỉ các tỉnh, TP phía Bắc mà còn được tiêu thụ nhiều ở miền Trung, miền Nam. Đây được xem là bài học kinh nghiệm đáng quý để tiếp tục triển khai ở những vụ tiếp theo.

Nhìn lại vụ vải thiều 2019, tuy có nhiều điểm tích cực nhưng cũng có những vấn đề cần giải quyết. Trước hết, do hạ tầng giao thông hạn chế, đặc biệt là quốc lộ 31 xuống cấp nghiêm trọng, nhỏ hẹp dẫn đến ùn tắc cục bộ, tại một số đoạn thuộc huyện Lục Ngạn phương tiện không thể di chuyển, phải có sự can thiệp quyết liệt của lực lượng công an, quân đội, thanh niên tình nguyện... 

Nạn trừ lùi cân vẫn xảy ra, cả vụ, huyện Lục Ngạn xử lý 8 trường hợp trừ quá 5% khối lượng vải của bà con, xử phạt 20 triệu đồng. Hiện tượng này gây bức xúc trong nhân dân do làm thiệt hại kinh tế.

Về phía người sản xuất, vẫn có một số nhà vườn chưa tuân thủ đúng quy định, để cuống dài quá 15 cm, lẫn nhiều lá. Cá biệt có đối tượng đưa vải thiều từ nơi khác đến đội lốt sản phẩm đã có "thương hiệu", ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng vải thiều. Khắc phục được những vấn đề này sẽ góp phần cho mùa vải sau mang lại hiệu quả cao hơn.

Theo: Quốc Phương (Báo Bắc Giang Điện Tử)

Các tin liên quan