Nâng cao hiệu quả trồng rừng: Liên kết từ trồng đến chế biến

(BGĐT) - Bắc Giang có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lớn với sản lượng hơn 650 nghìn m3/năm là cơ sở để nghề chế biến gỗ phát triển. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng này và gia tăng giá trị rừng trồng, ngành chế biến gỗ cần có sự liên kết và thay đổi phù hợp.

Nguồn cung nguyên liệu không ổn định

Những năm qua, dù được quan tâm song sản phẩm của ngành chế biến gỗ tại Bắc Giang chưa đa dạng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ước tính có trên 80% gỗ rừng trồng trong tỉnh dùng làm nguyên liệu sản xuất gỗ xuất khẩu. Lượng nhỏ còn lại dùng cho sản xuất đồ mộc dân dụng trong nước. Sở dĩ có điều này là do gỗ rừng trồng của tỉnh cơ bản là gỗ nhỏ (dưới 6 năm tuổi), chất lượng gỗ non nên chỉ phù hợp với bóc làm gỗ ván ép, sử dụng làm cốp pha phục vụ xây dựng.

  Rừng gỗ lớn 8 năm tuổi của Công ty TNHH 2 thành viên Lâm nghiệp Yên Thế tại bản Rừng Chiềng, xã Tiến Thắng.

Rừng gỗ lớn 8 năm tuổi của Công ty TNHH 2 thành viên Lâm nghiệp Yên Thế tại bản Rừng Chiềng, xã Tiến Thắng.

Hiện toàn tỉnh có hơn 770 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, trong đó có 64 cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu với 12 tổ chức xuất khẩu trực tiếp. Từ đây, Bắc Giang hình thành một số vùng chế biến gỗ theo loại sản phẩm, phân bố đặc trưng theo từng địa phương, Các cơ sở chế biến gỗ thô hình thành tự phát lại tập trung ở một số nơi khiến nhiều cơ sở phải thu mua gỗ non, sản phẩm sẽ giảm chất lượng.

Được biết, trước năm 2018, gỗ bóc, băm dăm của tỉnh chủ yếu bán dưới dạng chế biến thô xuất khẩu sang Trung Quốc. Đầu năm 2018, khi Mỹ áp thuế cao lên các mặt hàng gỗ chế biến của Trung Quốc vào nước này đã tạo cơ hội cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam phát triển “nóng”. Nhiều DN tại Bắc Giang đã nhập các dây chuyền chế biến gỗ cũ, lạc hậu về để sản xuất nên chất lượng gỗ chế biến trong tỉnh còn thua kém nhiều nước trong khu vực. Cộng với dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nhà máy chế biến gỗ tại Bắc Giang phải giảm sản lượng hoặc ngừng hoạt động. 

Theo Cục Thống kê, tổng giá trị sản xuất, chế biến gỗ của Bắc Giang năm 2019 đạt hơn 2,96 nghìn tỷ đồng; 10 tháng năm nay ước đạt hơn 3,3 nghìn tỷ đồng.

Tìm hiểu tại Công ty TNHH Vũ Thịnh (Lạng Giang), hiện DN đã ngừng sản xuất ván ghép thanh từ nhiều tháng nay. Ông Vũ Duy Kha, Phó Giám đốc Công ty cho rằng, ngoài những khó khăn trên, các DN chế biến gỗ của tỉnh còn gặp khó bởi nguồn cung gỗ nguyên liệu không ổn định. Hiện chưa có DN chế biến gỗ nào tại tỉnh có vùng nguyên liệu riêng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, chính sách quy định chủ lâm sản tự lập bảng kê, tự chịu trách nhiệm đối với gỗ rừng trồng; không quy định chế độ báo cáo tình hình nhập, xuất lâm sản đã gây khó khăn trong việc thu thập số liệu, đánh giá thực trạng tiêu thụ nguyên liệu, chế biến gỗ, truy xuất nguồn gốc lâm sản và thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương. Vì thế, việc nắm tình hình sản xuất, chế biến gỗ tại Bắc Giang chưa chính xác, khó kiểm soát, dự báo và quy hoạch. Hoạt động chế biến gỗ tại Bắc Giang còn mang tính tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng.

Đầu tư công nghệ, trồng rừng gỗ lớn

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nhu cầu gỗ của thế giới rất cao, việc trồng và khai thác rừng cần tiếp tục được khuyến khích. Mặc dù trong tỉnh đã có nhiều cơ sở chế biến gỗ song hiện có 8 DN xin đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, để việc chế biến gỗ hiệu quả, các địa phương cần thực hiện đúng quy hoạch vùng rừng nguyên liệu (hơn 80 nghìn ha). 

  Sản xuất đồ mộc dân dụng tại Công ty TNHH Vũ Thịnh.

Sản xuất đồ mộc dân dụng tại Công ty TNHH Vũ Thịnh.

Ngoài ra, các chủ rừng phải thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng thì gỗ Bắc Giang mới vào sâu các thị trường châu Âu, Mỹ và nâng cao giá trị. Để làm được điều này, vai trò của DN chế biến gỗ và kinh doanh rừng rất quan trọng. Bởi chỉ có các DN này đứng ra liên kết với các chủ rừng làm thủ tục đăng ký cấp chứng chỉ chung cho các hộ thì mới thuận lợi.

Đến nay, toàn tỉnh mới có Công ty TNHH 2TV Lâm nghiệp Yên Thế được cấp chứng chỉ rừng FSC với hơn 2,2 nghìn ha. Hiện Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt đã liên kết với 570 hộ thuộc 3 xã: Hữu Sản, Tuấn Đạo và thị trấn An Châu (Sơn Động) thực hiện các thủ tục pháp lý và được Hội đồng Quản lý rừng thế giới xem xét, cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế FSC với diện tích hơn 2,3 nghìn ha… “Nếu làm trọn bộ từ khâu trồng, cấp chứng chỉ, khai thác đến chế biến thì giá trị gỗ rừng trồng sẽ tăng khoảng 25-30%. Nhờ đó hiệu quả trồng rừng và chế biến gỗ của Bắc Giang sẽ tăng theo”, ông Thành nói.

Ngoài đồng tình với các quan điểm nêu trên, ông Trương Viết Công, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lâm nghiệp Quốc Thái (Lạng Giang) còn cho rằng các chủ rừng phải tập trung vào trồng rừng gỗ lớn bởi gỗ lớn vừa mang lợi cho người trồng vừa tạo hiệu quả cho chế biến. Ngoài ra, tỉnh cần quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào chế biến gỗ sâu. 

Về phía DN chế biến cần đa dạng sản phẩm; đầu tư máy móc hiện đại, đồng thời làm chủ công nghệ sản xuất gỗ ván mặt và sản xuất keo, nhựa phụ gia… Hạn chế bán nguyên liệu thô, đầu tư sản xuất các loại gỗ trang trí, nội thất thì giá trị rừng mới được nâng lên. “DN phải tham gia vào xây dựng vùng nguyên liệu. Điều này giúp DN vừa chủ động được đầu vào mà hồ sơ sản phẩm lại luôn “sạch”, thuận lợi cho xuất khẩu”, ông Công khẳng định.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Thế Đại).

Các tin liên quan