Khởi động lại các công trình, dự án: Chú trọng phòng dịch và đẩy nhanh tiến độ

(BGĐT) - Với tinh thần “Sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”, ngay sau khi được UBND tỉnh Bắc Giang cho phép, nhiều công trình, dự án đã tái khởi động. Công tác phòng, chống dịch (PCD) được đặt lên hàng đầu trong khi vẫn đáp ứng yêu cầu về tiến độ.

Khẩn trương thi công

Tại dự án đầu tư xây dựng mở rộng quy mô giường bệnh Trung tâm Y tế huyện Tân Yên, các cán bộ, công nhân của Công ty TNHH Ngọc Thơ như đang chạy đua với thời gian để sớm hoàn thành công trình. Ông Nguyễn Văn Cường trực tiếp phụ trách dự án nói: “Quy mô dự án khá lớn gồm xây dựng khối nhà hành chính và điều trị nội trú cao 7 tầng, tổng diện tích sàn 10.500 m2, hơn 250 giường bệnh. 

Thi công nhánh rẽ nút giao quốc lộ 37 và đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Giang tại khu vực Đình Trám (Việt Yên).

Thi công nhánh rẽ nút giao quốc lộ 37 và đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

tại khu vực Đình Trám (Việt Yên).

Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ như nhà trạm oxy, khí trung tâm; trạm biến áp và máy phát điện dự phòng; hệ thống cấp, thoát nước, phòng cháy chữa cháy, khuôn viên, cây xanh... với số vốn hơn 125,6 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Công trình được khởi công từ tháng 9/2020, ngay sau đó xảy ra dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến dự án”.

Để bảo đảm tiến độ, đơn vị sắp xếp, động viên các tổ, nhóm thợ ở lại công trường, không di chuyển ra ngoài phạm vi được phép, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Theo hợp đồng, công trình có thời gian thi công hơn 14 tháng nhưng đến nay đã xong phần xây, trát; ốp lát được khoảng 60% và đang lắp đặt hệ thống điện nước, thiết bị. Dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng, đáp ứng ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.

Trên công trường cải tạo, mở rộng nút giao quốc lộ (QL) 37 với đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang khu vực Đình Trám (Việt Yên), nhiều cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần đầu tư 379 đang điều khiển máy lu, xúc… tập trung thi công phần nhánh rẽ hoa thị và hệ thống thoát nước. 

Ông Phan Văn Phương, Phó Giám đốc Công ty cho biết, xác định đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, khắc phục những bất cập, giải quyết tình trạng ùn tắc ở khu vực các khu công nghiệp nên đơn vị huy động nhiều máy móc, lực lượng lao động. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến thi công, có thời điểm phải dừng.

Được sự đồng ý của UBND tỉnh, DN đã thi công trở lại từ trung tuần tháng 6, để bảo đảm mục tiêu PCD và duy trì hoạt động, lực lượng thi công được xét nghiệm, tiêm vắc-xin, bảo đảm an toàn, thực hiện nghiêm ngặt khuyến cáo 5K. Cán bộ kỹ thuật, công nhân được chia nhiều nhóm nhỏ, giữ khoảng cách, làm việc tại khu vực đã phân công, không di chuyển ra ngoài. 

Đến nay, công trình đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng, một số vướng mắc về mặt bằng đã được giải quyết kịp thời, phấn đấu đưa công trình vào sử dụng trong quý III này.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh cho biết, trên tất cả các công trình, cán bộ, kỹ sư, công nhân phải đeo khẩu trang và các thiết bị bảo hộ; chủ đầu tư, đơn vị tư vấn yêu cầu nhà thầu chia lực lượng lao động thành nhiều ca làm việc với nhiều khung giờ, tránh tập trung đông người. Liên tục nhắc nhở, quán triệt các biện pháp PCD và thông tin tình hình, diễn biến cập nhật hằng ngày giúp người lao động nâng cao ý thức PCD, bảo đảm an toàn.

Gỡ vướng cho các công trình

Ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến bằng văn bản ngày 15/6 đồng ý cho phép tổ chức thi công xây dựng tại các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội nếu bảo đảm các điều kiện PCD, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể để triển khai.

Đến ngày 22/6, số lượng công trình, dự án được phép thi công gồm: Lạng Giang 45, Hiệp Hòa 14, Việt Yên 7, Sơn Động 4.

Theo ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng, các huyện, TP căn cứ tình hình thực tế tại địa phương thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ cho phép các chủ đầu tư, DN tổ chức thi công xây dựng và vận chuyển vật liệu, thiết bị phục vụ thi công. Trong 2 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Chủ tịch UBND các huyện, TP tổ chức kiểm tra và hướng dẫn, ra văn bản cho phép thi công xây dựng, vận chuyển vật liệu, thiết bị; trường hợp không đồng ý phải có văn bản thông báo rõ lý do cho chủ đầu tư, DN biết.

Hiện nay, các nhà thầu có ý kiến về việc vận chuyển vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị đến công trường gặp một số khó khăn. Ông Phan Văn Phương phản ánh: Công trình sử dụng nhiều vật liệu như đất san lấp, xi măng và ngược lại phải chuyển nhiều bùn đất đã bóc đi địa điểm khác, số lượng phương tiện ra vào công trường lớn. Trong khi đó quãng đường di chuyển qua nhiều chốt, trạm ảnh hưởng đến thời gian, thiếu vật liệu xây dựng.

Để giải quyết, Sở Xây dựng hướng dẫn các nhà thầu, DN có phương án vận chuyển vật liệu, thiết bị thi công xây dựng đến công trường (bao gồm nội dung đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận chuyển…). Bảo đảm an toàn PCD Covid-19 phù hợp với thực tế tại các địa phương, đồng thời tránh tình trạng đình trệ thi công tại công trường xây dựng, nhất là đối với các dự án trọng điểm của tỉnh có tác động lớn đến phát triển KT-XH.

Trong thời gian thi công các công trình, Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND các huyện, TP tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện “mục tiêu kép” nghiêm túc PCD bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế, sẵn sàng trở lại hoạt động đầy đủ ngay sau khi tình hình ổn định.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Bài, ảnh: Quốc Phương).

Các tin liên quan