Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA): Không chỉ là cơ hội

(BGĐT) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được ký kết tại Hà Nội. Qua đây, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung và Bắc Giang nói riêng tận dụng nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, Hiệp định cũng tạo ra nhiều thách thức mà bản thân các DN phải chủ động nâng cao năng lực để hội nhập thành công.

Đòn bẩy tăng trưởng

Theo các nhà chuyên môn, Hiệp định EVFTA sẽ giúp việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước thuộc liên minh châu Âu (EU) được xóa bỏ thuế sau một lộ trình ngắn; thuế nhập khẩu cũng giảm lên tới hơn 99%. Các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh dự kiến được hưởng lợi nhiều nhất là nông sản, dệt may, điện tử…

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG (TP Bắc Giang).

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG (TP Bắc Giang).

Để khai thác lợi thế sau khi ký kết Hiệp định, các DN trong tỉnh đã và đang chủ động vào cuộc, đón lấy những cơ hội mới. Đơn cử như, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG đã tuyển thêm nhân công lao động, mở rộng sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, hiện đơn vị mới có một xưởng phục vụ sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước khối EU. Để mở rộng thị trường này, ngoài tuyển thêm lao động, đơn vị còn mua sắm thêm thiết bị như máy nhồi lông, trần bông tự động, máy bổ túi, trạm đỉa tự động. Đồng thời, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, trong đó tăng cường tìm kiếm, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và nhập tại các nước EU.

Với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, các DN xuất khẩu nông sản cũng đang tập trung thực hiện chiến lược kinh doanh mới để mở rộng và tiếp cận thị trường tiềm năng lớn. 

Công ty vừa đầu tư hàng tỷ đồng để giúp hoàn thiện các thủ tục về hàng rào kỹ thuật, bảo đảm chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang EU.Khảo sát tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Bắc Giang cho thấy, ngay sau khi Hiệp định được thông qua, đơn vị đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt các nội dung liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu đề ra. 

"Để xuất, nhập hàng từ thị trường EU, DN trong tỉnh phải đáp ứng các thủ tục, tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của hàng hóa, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật quốc tế". Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương.

Nhiều rào cản

Thông tin từ Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có gần 400 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức. 

Để xuất nhập hàng hóa từ thị trường EU, DN trong tỉnh phải đáp ứng các thủ tục, tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của hàng hóa, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật quốc tế. Các quy định về lao động, môi trường, vấn đề liên quan đến phát triển bền vững cũng phải được cơ quan chức năng của EU xem xét chặt chẽ.

Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Bắc Giang (Lạng Giang) đầu tư thiết bị sản xuất, bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU.

Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Bắc Giang (Lạng Giang) đầu tư thiết bị sản xuất, bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU.

Đặc biệt, hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Đây là thách thức lớn đối với các DN trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Bởi hiện nay phần lớn nguyên liệu của ngành xuất khẩu chủ lực là may mặc được nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Cùng đó, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa của các nước EU đối với DN Việt Nam khi xuất khẩu sang cũng được làm ngặt. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, khi mở cửa thị trường, Việt Nam cho nhập hàng hóa, dịch vụ từ EU cũng đồng nghĩa với DN trong nước phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. 

Trong khi đó, phần lớn DN của tỉnh quy mô vừa và nhỏ nên năng lực cạnh tranh chưa cao. Đây chính là thách thức rất lớn, bởi DN EU có lợi thế hơn hẳn về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các điều khoản trong Hiệp định.

Trước những thách thức trên, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước, DN cần chung tay giải quyết các vấn đề. Trước tiên, Sở Công Thương cùng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, dự báo về tình hình thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, nội dung Hiệp định để kịp thời nắm bắt yêu cầu về kỹ thuật, quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa sang các nước EU.

Bản thân các DN cũng phải chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kinh nghiệm từ xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, EU… cho thấy, để nông sản xuất khẩu nhiều qua đường chính ngạch, các DN và nông dân cần có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; gắn sản xuất với thị trường; xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bao bì, tem nhãn và hoàn thiện chuỗi liên kết.  

Ngoài ra, các DN chủ động tìm kiếm khách hàng lớn, tin cậy; xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm nội dung Hiệp định; chuẩn bị nguồn lực về vốn để đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất… 

“Chúng tôi đã đề nghị Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tiếp tục hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm; kết nối với các DN có năng lực xuất khẩu nông sản (nhất là vải thiều) vào các thị trường mới của EU; hỗ trợ tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại tại các quốc gia trên thế giới”, ông Trần Quang Tấn cho biết thêm.

Theo: Thành Nam - Hoàng Phương (Báo Bắc Giang Điện Tử)

    Các tin liên quan