Hệ thống tưới tiên tiến cho cây trồng: Giảm công chăm sóc, tiết kiệm nước

(BGĐT) - Tiết kiệm nước, giảm công lao động và tăng hiệu quả kinh tế là những ưu điểm chính khi sử dụng hệ thống tưới tiên tiến (nhỏ giọt, phun sương) trên cây trồng cạn. Nhận rõ lợi thế đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang tiếp tục tham mưu các giải pháp nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. 

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020, Bắc Giang có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trên cây trồng cạn. Hàng loạt chương trình được triển khai như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng... đã đưa diện tích tưới tiên tiến không ngừng tăng. 

Nhà màng trồng dưa lưới của hộ dân thôn Ngọ Khổng, xã Châu Minh  (Hiệp Hòa) được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt.

Nhà màng trồng dưa lưới của hộ dân thôn Ngọ Khổng, xã Châu Minh (Hiệp Hòa) được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt.

Năm 2015, toàn tỉnh mới có hơn một ha tưới nhỏ giọt, phun sương thì đến nay con số này lên khoảng 5 nghìn ha. Trong đó, cây ăn quả hơn 4 nghìn ha còn lại là cây hàng năm, hoa, rau màu, cây dược liệu, cây lâu năm.

Lục Ngạn là địa phương có diện tích tưới tiên tiến lớn nhất tỉnh với gần 3 nghìn ha cho cây có múi, thanh long, tập trung ở các xã Tân Quang, Hồng Giang, Tân Mộc. Đạt được kết quả này là do từ năm 2015, huyện Lục Ngạn chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng mô hình đầu tiên tưới nhỏ giọt cho 1,5 ha cam ngọt tại thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang. 

Tiếp đến năm 2018, UBND huyện trích hơn 270 triệu đồng từ nguồn ngân sách triển khai tưới tiên tiến cho 15 ha cam tại xã Tân Mộc. Kết quả nghiệm thu các mô hình đều cho thấy nhiều lợi ích. Từ đó, dù không có hỗ trợ người dân vẫn tự dành kinh phí mở rộng cách làm mới. Ví như, năm 2018, hộ ông Vũ Công Hiến, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc áp dụng tưới tiên tiến cho hơn một ha cam ngọt. Do trồng cam ở đồi cao nên tưới bằng phương pháp thông thường mất nhiều thời gian, công sức và tiêu tốn lượng nước lớn. 

Ông Hiến nói: “Trước đây một ha cam, gia đình tôi phải bơm máy tưới mất 2-3 ngày mới xong, thậm chí còn nhiều ngày hơn nếu thời điểm cam cho quả, chuẩn bị thu hoạch trùng vào giai đoạn thời tiết khô hanh. Thế nhưng, khi tưới nhỏ giọt, gia đình tôi chỉ cần một ngày là hoàn tất việc cung cấp nước cho cam, nước ngấm lâu trong đất, độ ẩm duy trì dài”.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng khoảng 5 nghìn ha cây trồng cạn được tưới bằng phương pháp tiên tiến. Trong đó, cây ăn quả hơn 4 nghìn ha còn lại là cây hàng năm, cây lâu năm, cây dược liệu, hoa và rau màu.

Ngoài cây ăn quả, tưới nhỏ giọt, phun sương còn áp dụng khá phổ biến trên rau, màu, dược liệu. Hộ chị Đặng Thị Kim Loan, thôn Giữa Chính, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) trồng hơn 2 nghìn m2 dưa lưới trong nhà màng. Mỗi cây trồng trên giá thể hữu cơ đều có ống dẫn cấp nước nhỏ giọt. Khi cây cần nước, chị Loan chỉ việc bật công tắc là nước đến tận gốc. Lượng nước cung cấp được cài đặt sẵn nên không có tình trạng thừa, thiếu nước. Với hơn 6 nghìn quả dưa lưới, giá bán bình quân 45-54 nghìn đồng/kg, chị Loan có tổng thu hơn 200 triệu đồng/vụ.

Đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, tưới tiên tiến góp phần tăng năng suất nông sản, giảm chi phí công lao động, tăng thu nhập từ 20-30% so với tưới thông thường. Bên cạnh đó, hệ thống này còn tận dụng trong bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh, giúp người sản xuất chủ động trong quản lý dinh dưỡng mà không phụ thuộc vào thời tiết. Tưới tiết kiệm còn không gây xói mòn, rửa trôi đất và chất dinh dưỡng như tưới nước mặt; điều chỉnh lượng nước phù hợp với nhu cầu trong các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, giảm từ 50%-70% lượng nước tiêu thụ so với phương pháp tưới truyền thống; phù hợp với mọi điều kiện địa hình khác nhau. 

Ống tưới nhỏ giọt đến từng gốc dưa lưới trồng trong giá thể.

Ống tưới nhỏ giọt đến từng gốc dưa lưới trồng trong giá thể.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, việc áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước là một trong những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu khi hạn hán và xâm nhập mặn đang có xu hướng gia tăng như hiện nay. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu công nghệ tưới mới còn cao nên một số hộ chưa mạnh dạn áp dụng.

Để nhân rộng công nghệ tưới tiết kiệm trên cây trồng cạn, tăng hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu các giải pháp thực hiện. Theo đó, đề xuất bổ sung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tưới tiên tiến cho đội ngũ cán bộ quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp của các địa phương, ưu tiên cấp huyện, xã và tổ chức dùng nước, chủ trang trại và nông dân trên địa bàn. 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi để tạo nguồn nước tưới; đầu tư xây dựng đồng bộ các hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên diện rộng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng chủ lực, cây có giá trị kinh tế cao như: Rau màu, cây ăn quả (cam, bưởi, vải thiều, nho... ), hoa, cây cảnh.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Trường Sơn).

Các tin liên quan