EU hoàn tất phê chuẩn EVFTA

Hiện tại, EVFTA chỉ cần được Quốc hội phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo là sẽ có hiệu lực.

Hôm qua (30/3), Hội đồng châu Âu (EC) quyết định thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Đây là bước pháp lý cuối cùng theo thủ tục phê chuẩn nội bộ của EU để EVFTA có hiệu lực. Trước đó, ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua hiệp định này .

Hiện tại, EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo (dự kiến 30 ngày kể từ ngày thông báo) là sẽ có hiệu lực. Ngày 21/2, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Đến ngày 24/3, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo bộ hồ sơ của Chính phủ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, quyết định trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định.

Thỏa thuận này sẽ gỡ bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu giữa hai bên trong vòng 10 năm. Theo đó, 65% hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam sẽ ngay lập tức được miễn thuế. Thuế với số hàng hóa còn lại sẽ dần về 0% trong vòng 10%.

Ngược lại, 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế ngay trong ngày đầu tiên. Số hàng hóa còn lại sẽ được miễn trong vòng 7 năm. Thỏa thuận còn bao gồm các điều khoản về gỡ bỏ rào cản phi thuế quan, chỉ dẫn địa lý, về ngành dịch vụ, mua sắm công và phát triển bền vững.

EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song thị phần hàng hoá của khu vực này còn khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào EU sẽ tăng.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.

Theo: Hà Thu 

Các tin liên quan