Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 tại Bắc Giang

Ngày 22/7, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về chuyên đề giám sát “Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.

Tham dự buổi làm việc về phía Đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị Trung ương.

Phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết, trong 5 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại Bắc Giang, công tác thu, chi ngân sách đã được kiểm soát chặt chẽ. Tỉnh đã tiết kiệm dự toán chi thường xuyên theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ Tài chính với số tiền 1.254 tỷ đồng dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ. Qua công tác thẩm định, xét duyệt quyết toán tỉnh đã thực hiện xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền 36.079 triệu đồng; quyết toán dự án hoàn thành 7.867 công trình, với giá trị quyết toán được duyệt là 23.640 tỷ đồng…

Trong năm 2020 và 2021, để chủ động ưu tiên cân đối nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên với số tiền 180,7 tỷ đồng; thu hồi các khoản chi chưa thật sự cần thiết, cấp bách với số tiền 263,6 tỷ đồng để dành nguồn cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các nhiệm vụ cấp bách của địa phương.

Tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp quản lý nguồn thu, nhất là thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm tăng thu ngân sách gắn với chống thất thu. Chi ngân sách bám sát dự toán, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng chế độ, chính sách; hạn chế tối đa các khoản chi hành chính, chi tổ chức sự kiện, xây dựng trụ sở, mua sắm ô tô, tài sản công... để tập trung ưu tiên cho đầu tư hạ tầng KT-XH đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đồng thời tăng cường phân cấp ngân sách và chú trọng điều chỉnh cơ chế phân bổ vốn đầu tư công theo hướng có trọng tâm, tập trung vào các công trình, dự án thiết yếu, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả mà tỉnh Bắc Giang đã đạt được trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và trao đổi kinh nghiệm, cách làm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Qua trao đổi, các thành viên trong Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang xem lại tính hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn ODA; nguyên nhân dẫn đến vấn đề chuyển nguồn từ năm trước sang năm sau vẫn còn cao; công tác quản lý thuế dẫn đến nợ đọng thuế cao ở một số loại thuế như: Thuế kinh doanh vận tải, thu ngoài quốc doanh, thuế cho thuê nhà trọ, kinh doanh vật liệu xây dựng, thuế vãng lai,… Vấn đề tăng trưởng của Bắc Giang trong những năm gần đây luôn ở top đầu cả nước, điều đó cho thấy tính năng động trong chỉ đạo điều hành phát triển KT-XH của tỉnh; tuy nhiên tỉnh cần bổ sung nghiên cứu làm rõ thêm trong báo cáo về tỷ lệ tiết kiệm ngân sách trên tổng thu ngân sách của tỉnh trong thời gian qua…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát và cho rằng đây là những góp ý thiết thực, đáng quý cho tỉnh. Đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu để bổ sung và hoàn thiện báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh giải trình làm rõ nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát chỉ ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cũng làm rõ thêm các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực của địa phương; về việc sắp xếp đơn vị hành chính; về việc quản lý, giao đất, sử dụng đất; về việc sắp xếp, tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục - đào tạo… Đối với những vấn đề đã rõ, đã được đề cập thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh, sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục, tạo sự chuyển biến ngay trong quá trình giám sát.

Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Đoàn giám sát của Quốc hội để việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn tiếp theo trên địa bàn tỉnh đạt chất lượng, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chúc mừng những thành tựu tỉnh Bắc Giang đạt được trong những năm qua. Đồng chí thời gian tới, nếu tỉnh tiếp tục phát huy được tốt các thế mạnh, tận dụng tốt các cơ hội sau dịch Covid- 19 để bứt phá, tỉnh Bắc Giang sẽ nhanh chóng trở thành tỉnh trọng điểm phát triển KT- XH phía Bắc.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” là một chuyên đề khó và có phạm vi rất rộng, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong thực hiện quản lý ngân sách cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Vì vậy, công tác giám sát yêu cầu cần phải được đánh giá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Qua giám sát, Đoàn giám sát cũng đã tìm ra được một số cách làm hay, sáng tạo của tỉnh Bắc Giang để biểu dương, khuyến khích nhân rộng nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng đã thẳng thắn, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang trong thực hiện trong thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 20216-2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang tiếp thu ý kiến của của các thành viên trong Đoàn giám sát, bổ sung, hoàn chỉnh lại báo cáo cho Đoàn giám sát.

Trong đó, cần tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo đề xuất của Đoàn giám sát; làm rõ năng lực, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo chấp hành luật quản lý ngân sách Nhà nước. Làm rõ thêm các khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thu hồi các dự án; khó khăn, vướng mắc trong bổ sung, sắp xếp biên chế làm việc; việc quản lý đất đai của các doanh nghiệp Nhà nước…

Tỉnh Bắc Giang cũng cần làm rõ nguyên nhân tại sao nhiều địa phương không “mặn mà” với nguồn vốn ODA. Đối với những kiến nghị, đề xuất về sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của chính Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tỉnh cần phân tích rõ những vướng mắc, cản trở của văn bản trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp sửa đổi theo hướng nào nhằm tạo điều kiện cho Đoàn giám sát thực hiện các kiến nghị đề xuất với Chính phủ trong kỳ họp sắp tới.

                                                                                                                                                                  Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan