Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0

Sáng ngày 06/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và đồng chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và đào tạo và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/Thảo My

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống KT-XH nước ta, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì và ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh: tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng. Nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời nói trên, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch; ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm, các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát; Nghị quyết 128/NQ-CP đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến nền kinh tế trên nhiều ngành, lĩnh vực. Do vậy, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 là rất cần thiết.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH gồm: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thống đốc Bang Utah (Hoa Kỳ), Đại diện Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các doanh nghiệp,…  cũng đã có những thảo luận, góp ý đối với khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH của Việt Nam gắn với phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023; đề xuất, kiến nghị về mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển và có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.

Tỉnh Bắc Giang xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược để củng cố phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 về chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều Kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính đó là: Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. 

Năm 2021 là năm có hiều khó khăn, thách thức hơn so với năm 2020. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển KT-XH và đời sống người dân. Bắc Giang đã từng là tâm dịch của cả nước với đặc điểm lây lan tốc độ rất nhanh trong các Khu công nghiệp (KCN) với số người lây nhiễm lớn. Song nhờ triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo nhiều giải pháp trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh cải cách hành chính nên Bắc Giang đã thành công trong việc khống chế đẩy lùi dịch bệnh, là điểm sáng của cả nước trong thực hiện “mục tiêu kép”; tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 7,82%. Chuyển đổi số cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2020, xếp hạng Chuyển đổi số cấp tỉnh, Bắc Giang đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố: chỉ số xếp hạng chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14, xã hội số đứng thứ 25 trên 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn vừa cấp bách, vừa lâu dài, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh đặc biệt, cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động đặc biệt, nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế số kết nối số toàn cầu trong khi đại dịch Covid-19 chưa có điểm kết thúc và cần chủ động, linh hoạt ứng phó.

Đánh giá cao những ý kiến, tâm huyết sâu sắc của các đại biểu, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển KT-XH. Chống dịch thành công mới phát triển kinh tế được và phát triển kinh tế để có nguồn lực chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân. Việt Nam đã chọn cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch bệnh. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục triển khai phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo đủ vắc xin, thuốc điều trị; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt doanh nghiệp và tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược trên nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số,

Thủ tướng nhấn mạnh một trong những trọng tâm của quá trình phục hồi là phát huy tối đa năng lực, nguồn lực con người, người dân vừa là trung tâm chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển. Tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia. Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân./.

                                                                                                                                                         Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan