Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước

Sáng ngày 28/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước do tỉnh quản lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ của BCĐ năm 2020, nhiệm vụ năm 2021. Tham dự có các thành viên BCĐ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì buổi làm việc. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong đó có 5 công ty TNHH MTV nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, 7 doanh nghiệp nhà nước giữ trên 50% vốn và 7 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp năm 2019 đạt trên 2.500 tỷ đồng, tổng số doanh nghiệp hoạt động có lãi là 13/19 doanh nghiệp, chiếm 68,42%. Một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng khu công nghiệp,…

Năm 2020, BCĐ đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh tập trung tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước. Trong đó tập trung sắp xếp đổi mới các công ty Lâm nghiệp, thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần...

Kiểm điểm tiến độ thực hiện, hiện nay còn 2 Công ty là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn chưa hoàn thành chuyển đổi. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu là hồ sơ sổ sách, chứng từ lưu trữ không đảm bảo và các vướng mắc về quản lý rừng.

Tương tự, đối với công tác thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng đang chậm so với kế hoạch, hiện nay mới hoàn thành thoái vốn 3/9 công ty. Khó khăn là do việc quản lý hồ sơ chứng từ của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, việc quản lý đất đai của một số doanh nghiệp hạn chế, vướng mắc về tài chính khi cổ phần hóa.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao của ngành, chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực, tham mưu kịp thời các hoạt động của BCĐ đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh, đặc biệt tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng phê duyệt danh mục chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần.

Sở Tài chính tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh về việc chuyển đổi, sắp xếp, đổi mới 2 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn. Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các công ty cổ phần theo các kế hoạch đã được ban hành, quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc tại các công ty đang thực hiện thoái vốn. Đồng thời tham mưu rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, xem xét doanh nghiệp nào thực hiện thoái vốn trước, doanh nghiệp nào thực hiện sau, giao nhiệm vụ cho cơ quan nào thực hiện, thời gian phải hoàn thành.

Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định 38/2018/QĐ-UBND ngày 28/12/2028 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý người đại diện phần vốn nhà nước do UBND tỉnh làm chủ sở hữu. Tham mưu quản lý chặt chẽ bộ máy và nhân sự các công ty TNHH MTV mà nhà nước nắm giữ 100% vốn.

Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quản lý đất đai tại các doanh nghiệp.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giám sát thực hiện kế hoạch bàn giao rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam sang Ban quản lý Khu du lịch Suối Mỡ. Ngăn chặn và giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất rừng./.

 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang (Trâm Anh).

Các tin liên quan