Cựu chiến binh Vi Văn Hùng, xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang): "Mang rác về nhà"

(BGĐT) - Chả phải người giàu có, chả là cán bộ cấp nọ cấp kia, thế mà người cựu chiến binh (CCB) ấy mang cả “sổ đỏ” hơn 5.000 m2 đất lâm nghiệp của gia đình hiến tặng cho xã. Đặc biệt hơn, hiến để xã làm bãi xử lý rác thải chứ không phải làm đường hay trường, trạm như bình thường. Người “mang” rác về nhà là có thật và đó là câu chuyện của Chủ tịch Hội CCB xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang) ông Vi Văn Hùng.

“Tôi thấy bình thường mà!”

Gặp người CCB ấy khi ông vừa vinh dự là một trong số 9 CCB tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang dự “Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2014 - 2019” của Hội CCB Việt Nam về. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu việc hiến đất của gia đình, ông bảo: “Thật tình tôi thấy bình thường mà! Đi Đại hội được nghe những câu chuyện, những việc làm cảm động của CCB khắp nơi nên tôi thấy việc mình làm chưa là gì cả. Vẫn xấu hổ lắm!”. 

Cựu chiến binh Vi Văn Hùng, xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang). 

Cựu chiến binh Vi Văn Hùng, xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang).

 

Ông Hùng là người dân tộc Tày (SN 1966). Học xong cấp 3, năm 1987, ông đi bộ đội, vào Sư đoàn 338 đóng quân ở Đình Lập (Lạng Sơn). “Đến năm cuối nghĩa vụ quân sự thì bố tôi mất, nhà cửa, vườn tược không có ai trông nom nên tôi phải xuất ngũ, chứ tiếc lắm!”- ông Hùng bộc bạch.

Về quê, lấy vợ, sinh liền hai con trai, bươn chải đủ nghề kiếm sống, năm 2010, khi phong trào CCB ở xã phát triển, ông tham gia và sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB xã từ năm 2017 tới nay. Dương Hưu quê ông là xã nghèo, đặc biệt khó khăn. Thu nhập chính của bà con chỉ trông vào trồng rừng, số hộ nghèo chiếm tới gần 40%.

Để xây dựng nông thôn mới, xã thiếu nhiều tiêu chí, trong đó tiêu chí về môi trường gần như bế tắc, không có lời giải. Phần vì thói quen người dân bao lâu nay “tiện đâu xả đấy”, đổ hết ra đầu làng; phần nữa, quan trọng hơn đó là xã chưa có bãi xử lý rác thải. Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hưu cho biết: "Chúng tôi cũng quy hoạch ở nhiều nơi nhưng mới chỉ nêu chủ trương thôi, người dân đã rầm rầm phản đối rồi! Chả ai muốn “mang” rác về nhà mình, về xóm thôn mình cả.

Trong khi bãi rác tập trung lại cần diện tích lớn, không quá xa trung tâm, tiện đường sá. Đang loay hoay chưa biết xử lý ra sao thì vợ chồng ông Hùng mang “sổ đỏ” nhà mình lên… tặng, cho xã lấy đất nhà mình làm bãi rác". - Lúc đó thửa đất hơn 5.000 m2 gia đình ông đang làm gì? Tôi hỏi ông Hùng. - Nhà tôi trồng xoài, vải và cây lâm nghiệp. Nhiều cây keo cũng được vài năm tuổi, sắp thu hoạch.

Cựu chiến binh Vi Văn Hùng, xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang), Mang rác về nhà

Từ việc nêu gương hiến đất của CCB Vi Văn Hùng đã tạo thành phong trào chung cả xã hiến đất làm đường giao thông. Ở Dương Hưu không có chuyện xã phải cưỡng chế giải phóng mặt bằng, thậm chí cả vận động, thuyết phục cũng không cần”.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuân.

Vợ chồng tôi còn đào cả giếng, lập cái chòi nhỏ để tiện bề trông coi. - Thật lòng, vợ chồng ông có tiếc không khi tặng lại cho xã, vì cây cối đến ngày ra quả rồi? Bà Hoàng Thị Luận - vợ ông Hùng lúc đó mới lên tiếng, bà bảo: “Nếu nói tiếc đất thì chúng tôi không tiếc vì lúc đó (năm 2016) thửa đất này trị giá chỉ khoảng vài chục triệu đồng. Nhưng tiếc là tiếc cái công cái sức mình bỏ ra hơn chục năm trời khai hoang ở đó. Đó cũng là tài sản đầu tiên của vợ chồng tôi có được khi ra ở riêng, định để lại cho con cháu sau này”.

Nếu tính giá thị trường, mảnh đất mà gia đình ông Hùng hiến cho xã giờ có giá hàng trăm triệu đồng, trong khi gia đình ông vẫn ở nhà cấp 4, các con trai đều lấy vợ ra ở riêng rất cần đất đai, vốn liếng để làm ăn. - Chưa bao giờ tôi băn khoăn việc này. Tiền thì ai cũng cần nhưng mình là cán bộ, đảng viên, lại là người lính, mình không làm thì nói được ai. Chưa kể, mình hiến đất phục vụ lợi ích cộng đồng, có cả mình trong đó mà ông Hùng thủng thẳng.

Được biết, ngoài hiến hơn 5.000m2 đất lâm nghiệp, trước đó hai năm, khi xã làm đường giao thông liên thôn, gia đình CCB này cũng không ngần ngại “xắn” 120 m2 đất thổ cư cho xã. Bản thân ông từng bỏ hàng chục triệu đồng để san đất, mở một con đường nhỏ đi lại cho thuận tiện. 

“Bãi rác ông Hùng”Việc ông Hùng chẳng giàu có gì mà bớt một “sổ đỏ” của nhà cho xã làm bãi tập kết rác khiến không chỉ chính quyền cảm kích mà người dân địa phương cũng kính trọng. Họ gọi đó là “bãi rác ông Hùng”. - Xã chủ yếu là đồng bào dân tộc, người Kinh rất ít nên cứ phải người thật việc thật bà con mới tin. Bà con bảo nhau: “Ông Hùng hiến được thì mình cũng hiến được”, thế là tạo thành phong trào chung cả xã hiến đất làm đường giao thông, đường liên thôn, đường điện... Ở đâu khó khăn khi giải phóng mặt bằng, phải cưỡng chế, thu hồi chứ ở Dương Hưu lại đơn giản; thậm chí cả vận động, thuyết phục cũng không cần - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuân hào hứng chia sẻ. 

Từ “hiện tượng” hiến đất ở, đất lâm nghiệp của ông Hùng, nhiều hộ dân trong xã cũng xung phong làm theo. Tính từ năm 2018 đến nay, đã có 70 hộ, trong đó có nhiều hội viên CCB ủng hộ 1.500 m2 đất, gần 2.000 cây lấy gỗ để xã mở đường, làm các  công trình phúc lợi. Có hộ vì không có đường chạy qua nên không phải hiến đất, hiến hoa màu thì “xin” với xã góp ngày công, góp sức ủng hộ.

Ngay cả việc để vào được “bãi rác ông Hùng” phải mở con đường mới cho xe qua, hơn 20 hộ dân của thôn Thoi đã không ngại ngần hiến đất ruộng, đất trồng cây lâu năm của nhà mình cho xã. Thế là huyện cấp ngân sách làm đường bê tông, nhân dân hiến đất mở đường, gia đình CCB Vi Văn Hùng hiến đất làm cả bãi rác, xã Dương Hưu đã có một điểm tập kết rác tập trung, là một trong ít xã của huyện Sơn Động làm được điều này, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. - Cái quý nữa thu được từ “bãi rác ông Hùng”, đó là làm thay đổi nhận thức của người dân với việc bảo vệ môi trường. 

 

Cựu chiến binh Vi Văn Hùng (giữa) bên khu đất lâm nghiệp đã hiến cho xã làm bãi rác. 

Cựu chiến binh Vi Văn Hùng (giữa) bên khu đất lâm nghiệp đã hiến cho xã làm bãi rác.

 

Từ khi bãi rác đi vào sử dụng (năm 2018) bà con không đổ rác bừa bãi, xã phong quang sạch đẹp lên hẳn. Đặc biệt, từ tháng 6-2019, chúng tôi đã thành lập tổ thu gom xử lý rác thải và thu được cả phí vệ sinh, dù chưa nhiều - lãnh đạo xã cho biết thêm. Đúng là quý thật vì để thay đổi thói quen, nếp nghĩ đã hằn sâu bao lâu nay của đồng bào vùng cao không phải dễ. Chưa kể, khi đời sống còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, bà con còn “chịu” bỏ tiền ra để cùng với xã thu gom, xử lý rác về một đầu mối, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đơn giản, vì bà con nghĩ: “Ông ấy (chỉ ông Hùng - PV) hiến cả mấy sào đất làm bãi rác, cớ sao mình đổ bừa bãi, không gom rác vào cho sạch”. Trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, ông Hùng dành vị trí trang trọng treo những bằng khen, giấy khen của mình và gia đình. Ông bảo làm ăn càng ngày càng khó khăn, chẳng biết bao giờ mới sang sửa được căn nhà nhưng nếu xã cần hiến đất, ông lại sẵn sàng. 

“Chẳng phải mình giàu có hay muốn được biểu dương khen thưởng mà tự tâm mình, thấy làm được gì cho quê hương mình thì làm, thế thôi”. Không tính toán thiệt hơn, không mong được khen thưởng, ở nơi vùng núi cao hẻo lánh, người CCB dân tộc Tày ấy vẫn lặng lẽ làm việc thiện nguyện, để lan tỏa và yêu thương.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Các tin liên quan