Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái: Lục Ngạn tập trung phát triển kinh tế xanh, lấy nông nghiệp là trọng tâm gắn với các loại hình du lịch

(BGĐT) - Sáng 13/4, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang làm việc với Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Lục Ngạn về tình hình, kết quả triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ. Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái chủ trì hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thu Hồng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn. Các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo một số ban, ngành tỉnh.

Theo báo của Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, BTV Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng, ban hành 3 đề án, 3 nghị quyết, 1 chương trình, 1 kế hoạch thực hiện nhằm cụ thể các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp đề ra, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Tập trung lãnh đạo khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Ban hành các văn bản lãnh đạo công tác bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn huyện; chỉ đạo tổ chức đại hội hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong huyện, nhiệm kỳ 2021-2026.

Bên cạnh công tác xây dựng Đảng, kinh tế của huyện tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản phẩm các ngành năm 2020 ước đạt hơn 13,46 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 13,56%/năm. Riêng tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp năm qua ước đạt hơn 6,44 nghìn tỷ đồng. 

Toàn huyện có gần 28 nghìn ha cây ăn quả, tổng giá trị đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ che phủ rừng 43%. Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án xây dựng Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia. 

Đến tháng 4/2021, toàn huyện cứng hóa hơn 1,5 nghìn km đường giao thông nông thôn (nhiều nhất tỉnh), nâng tỷ lệ cứng hóa đạt hơn 85%. Nhiều công trình trọng điểm về giao thông, đô thị đang được triển khai. 

Nhân dịp này, lãnh đạo huyện Lục Ngạn đề xuất tỉnh ưu tiên ngân sách kiên cố hóa trường, lớp học cho các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn (ĐBKK); xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bao gồm hỗ trợ cây, con giống, tăng chi khoán bảo vệ rừng, đào tạo nghề cho các tổ liên kết, mô hình chăn nuôi đại gia súc.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản đầu tư tại các xã vùng cao, vùng ĐBKK thông qua chính sách ưu đãi vốn vay, mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Góp phần giải quyết vấn đề lao động, việc làm tại vùng cao, vùng đồng bào DTTS cùng một số đề xuất khác.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Ánh Dương cho rằng, Lục Ngạn cần tập trung phát triển cây ăn quả. Trong đó chú trọng nâng giá trị, chất lượng sản phẩm, không chạy theo số lượng. Ngoài ra, huyện khai thác lợi thế sẵn có để xây dựng những khu du lịch hấp dẫn.

Đồng chí chỉ ra 2 điểm nghẽn của Lục Ngạn là hạ tầng giao thông nối ra cửa khẩu, sân bay còn yếu kém và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện giá bồi thường đắt gấp nhiều lần so nơi khác do đó huyện dễ đánh mất nhiều cơ hội phát triển.

Đồng chí cho rằng, Lục Ngạn phải quyết tâm xây dựng bằng được vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia kết hợp với phát triển du lịch. Cây ăn quả không chỉ lấy trái mà phái gắn với du lịch để tạo ra thu nhập cao. Để làm được điều này, huyện cần mời gọi, tìm thêm các nhà đầu tư chiến lược để phát triển các loại hình du lịch.

Cùng đó, tập trung phát triển sản phẩm OCOP, nâng cấp một số sản phẩm lên tầm quốc gia. Huyện cần định hướng xây dựng NTM theo cách riêng, trong đó phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng các DTTS.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hồng nêu ý kiến.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hồng nêu ý kiến.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng khẳng định: Lục Ngạn là địa phương được tỉnh, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm bởi có nhiều thế mạnh, trong đó có cây ăn quả. Người Lục Ngạn chăm chỉ, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Hiện thế mạnh phát triển du lịch gắn với cây ăn quả mới chỉ ở giai đoạn sơ khai nên huyện cần quy hoạch phát triển một số mô hình điểm bài bản để nhân rộng. Quan tâm gắn sản xuất cây ăn quả với bảo vệ môi trường bền vững. 

Đồng chí lưu ý, Lục Ngạn cần chấn chỉnh tác phong công sở của một số cán bộ, công chức, viên chức. BTV Huyện ủy cần tập trung, quan tâm công tác xây dựng Đảng, nhất là đội ngũ trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Từ đó mới giúp huyện phát triển nhanh, bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu.

Đồng chí Mai Sơn nêu ý kiến, Lục Ngạn cần duy trì, mở rộng diện tích cây ăn quả đã đạt chuẩn xuất khẩu sang Nhật để phục vụ cho các thị trường khác. Đối với giáo dục, cần nâng hạng, đưa chỉ tiêu giáo dục cao hơn, phát triển toàn diện. Bởi kinh tế Lục Ngạn phát triển mà giáo dục đạt thấp thì không tương xứng với vùng đất giàu tiềm năng kinh tế và văn hóa.

Đồng chí Lâm Thị Hương Thành khẳng định, với tiềm năng lợi thế như hiện nay có thể thấy người dân Lục Ngạn rất giàu nhưng hiện phần đóng góp chung cho xây dựng, phát triển của huyện chưa tương xứng. Vì vậy, công tác dân vận cần được tăng cường để vận động bà con đóng góp xây dựng các công trình chung. 

Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị HĐND huyện tích cực kiểm tra, tăng cường giám sát hoạt động của các ngành, địa phương, đơn vị. Từ đó giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm, chủ động, tâm huyết hơn với nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành phát biểu.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành phát biểu.

Thảo luận tại đây, đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, các sở: Nông nghiệp và PTNT, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh đã gợi mở nhiều ý tưởng giúp Lục Ngạn phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp; tháo gỡ các điểm nghẽn giao thông và xây dựng hạ tầng nông thôn. Đồng thời chỉ ra những điểm còn hạn chế, thiếu sót để huyện kịp thời khắc phục, bứt phá về KT-XH trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận, đồng chí Dương Văn Thái ghi nhận những kết quả trong các lĩnh vực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lục Ngạn đạt được trong thời gian qua. Đồng chí khẳng định huyện có nhiều ưu thế so với các địa phương khác; người dân Lục Ngạn cần cù, sáng tạo, làm giàu ngay trên mảnh đất của mình; sự phát triển của Lục Ngạn đã góp phần cho thành tựu chung của tỉnh. Đây là cơ sở để huyện phát triển trong thời gian tới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra những hạn chế Lục Ngạn đang gặp phải, như: Huyện còn nhiều xã nghèo, ĐBKK; hệ thống giao thông thiếu đồng bộ; công tác cải cách hành chính đạt thấp; quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên còn yếu kém; an ninh trật tự tiềm ẩn phức tạp; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa cao… Đồng chí yêu cầu thời gian tới, Lục Ngạn tập trung phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ. Tập trung tuyên truyền để thay đổi tư duy sản xuất cũ thì mới trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia, từ đó thu hút, phát triển du lịch. Cùng đó, đẩy mạnh mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm OCOP. 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy phát biểu.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy phát biểu.

Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, phát triển các sàn thương mại điện tử trong nông nghiệp, hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Huyện cần phát huy lợi thế đồi rừng để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Cùng đó, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có để bảo vệ nguồn sinh thủy; định hướng người dân trồng rừng gỗ lớn, gia tăng giá trị rừng kinh tế. Sở Nông nghiệp và PTNT hướng các Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn trồng rừng gỗ lớn, làm mẫu cho người dân học tập, làm theo. Quản lý tốt nguồn nước, đặc biệt là hồ Cấm Sơn để phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất cho tỉnh trong dài hạn.  

Về dịch vụ, du lịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý huyện cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng sẵn có để du lịch trở thành động lực, đột phá trong ngành kinh tế ở địa phương. Để làm được điều này, huyện cần tuyên truyền, thu hút người dân tham gia. Cử các đoàn công tác sang tỉnh bạn học tập kinh nghiệm du lịch miệt vườn, xây dựng mô hình điểm và tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người dân. 

Huyện quan tâm, hỗ trợ nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh xây dựng dự án du lịch hồ Khuôn Thần; tập trung nghiên cứu quy hoạch xây dựng một số khu đô thị sinh thái phù hợp với cảnh quan, mang bản sắc riêng của Lục Ngạn.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái kết luận buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái kết luận buổi làm việc.

Huyện tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là hạ tầng giao thông đối ngoại, phấn đấu trong nhiệm kỳ này phải hoàn thành bởi đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ để hàng hóa của huyện thông thương với tỉnh ngoài. Riêng quốc lộ 31, tỉnh sẽ có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, phấn đấu khởi công nâng cấp tuyến này vào cuối năm nay.

Đồng chí chỉ đạo huyện bố trí kinh phí lập dự án cải tạo xây dựng các hồ đập chứa nước lớn khu vực vùng cao. Tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ có trách nhiệm tìm nguồn lực, kinh phí từ Trung ương để ưu tiên cho huyện.  

Cùng với đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực trình độ, tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì công việc. 

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản bằng công nghệ số bởi đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy về thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn và Chỉ thị 19 về quản lý đất đai, tài nguyên - môi trường; quan tâm phát triển đồng bộ các lĩnh vực VH-XH. Trong đó các giá trị văn hóa phải được bảo tồn và phát huy. Đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, không để xảy ra các điểm nóng về tranh chấp đất rừng và tôn giáo. 

Về công tác xây dựng Đảng, huyện tăng cường xây dựng chỉnh đốn tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xác định đây là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt là cấp cơ sở. Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó quan tâm cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, có năng lực.

Huyện làm tốt hơn nữa công tác dân vận, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Bám nắm cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh khi có biểu hiện xấu. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm sớm phát hiện và xử lý sai phạm. 

Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái cũng đề nghị BTV Huyện ủy Lục Ngạn tập trung lãnh đạo, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Để ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân. 

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Tin, ảnh: Thế Đại).

Các tin liên quan