Bắc Giang: Vải thiều tiêu thụ thuận lợi, doanh thu đạt hơn 6.780 tỷ đồng

Năm 2022, trước những khó khăn trong tiêu thụ vải thiều do những tác động của dịch Covid-19, đặc biệt chính sách “Zero Covid” và các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ của thị trường Trung Quốc cùng với việc vụ vải tiếp tục được mùa là những thách thức rất lớn. Nhưng với sự chủ động, linh hoạt, vải thiều của tỉnh tiêu thụ khá thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với giá thành cao.

Chất lượng vải thiều tạo nên giá trị, thương hiệu vải thiều Bắc Giang.

Những khó khăn, thách thức trong tiêu thụ vải thiều

Năm 2022, do chịu tác động của tình hình biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết lạnh kéo dài đã tác động tới quá trình sinh trưởng phát triển, làm cho trái vải chín muộn hơn so với mọi năm khoảng từ 15-20 ngày. Cùng với đó, trước những dự báo đầy thách thức trong tiêu thụ vải thiều do những tác động của dịch Covid-19, đặc biệt chính sách “Zero Covid” và các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ của thị trường Trung Quốc; các thay đổi thói quen tiêu dùng tại các thị trường lớn, tiềm năng từ sử dụng sản phẩm tươi sang các sản phẩm qua chế biến sâu; các chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao do giá xăng dầu tăng; chi phí vận chuyển tăng cao, giá thành lao động và giá một số loại dịch vụ phụ trợ tăng…; cùng với việc dự báo về vụ vải tiếp tục được mùa đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.

Cùng đó, năng lực trong việc tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều của các doanh nghiệp, HTX của tỉnh sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Trung Đông... còn hạn chế. Công tác đổi mới và tiếp nhận áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong chế biến sâu và các giải pháp tiên tiến bảo quản vải thiều chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế; vải thiều vẫn chủ yếu xuất khẩu quả vải tươi, một số ít được chế biến đóng hộp, ép nước và sấy khô với sản lượng, chất lượng qua chế biến vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng cách lớn trong việc triển khai kỹ thuật chăm sóc vải thiều giữa giữa các hộ và giữa các vùng trồng; chất lượng quả vải không đồng đều giữa các địa phương, dẫn đến biên độ giá bán vải thiều dao động lớn, một số khu vực vải có chất lượng chưa cao đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như trong tổ chức sản xuất, cơ cấu diện tích vải thiều.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Năm 2022, trước những dự báo khó khăn về thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kịch bản, xác định đẩy mạnh, khơi thông thị trường nội địa thông qua tất cả các kênh bán hàng. Cùng đó phối hợp với các tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương tổ chức tuyên truyền, quảng bá và mời gọi kết nối tiêu thụ với các Tập đoàn bán lẻ, chuỗi các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong và ngoài nước, các chợ đầu mối nông sản của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, thành phố Đà Nẵng; phân phối sản phẩm vải thiều của tỉnh trên “Gian hàng Việt trực tuyến”, các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX liên kết mở gian hàng trên các sàn thương điện tử lớn ở trong và ngoài nước; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều online trên các trang mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, landingpage, zalo… giúp vải thiều Bắc Giang tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế nhanh, rộng hơn.

Cùng đó, tỉnh tổ chức Hội nghị “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ”. Đây là sự kiện lần đầu tổ chức theo hình thức đẩy mạnh, quảng bá, kết nối tiêu thụ song phương với thị trường Hoa Kỳ với sự tham gia của các doanh nghiệp, Hội doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ và đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông của Hoa Kỳ. Qua đó, đã có nhiều doanh nghiệp của Hoa Kỳ đến tỉnh Bắc Giang tìm hiểu, khảo sát ký kết tiêu thụ vải thiều cho mùa vụ năm 2022 và những năm tiếp theo. Góp phần tăng sản lượng tiêu thụ vải thiều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2022 với kết quả rất tích cực và có mức tăng trưởng ấn tượng.

Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức nhiều buổi tọa đàm, trao đổi và kết nối giao thương với các thị trường: Thái Lan, Italia và một số nước EU, Nhật Bản, ASEAN, UAE… Tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều, quy mô quốc tế với các điểm cầu tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và 12 điểm cầu tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore và điểm cầu mới tại thị trường Thái Lan, UAE.

Vải thiều Bắc Giang được vận chuyển đi tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị.

Song hành với các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, tỉnh còn tiếp cận, kết nối với VietnamAirlines, Bambo Aways và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vải thiều trong và ngoài nước; phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành Trung ương tham gia các hội nghị trực tiếp, trực tuyến, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu trong và ngoài nước. Phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu vụ với các cơ quan, đơn vị liên quan tại các cửa khẩu của các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng… để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc.

Khơi thông, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều

Năm 2022, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh đạt trên 199.500 tấn, trong đó vải chín sớm tiêu thụ đạt trên 61.000 tấn, vải chính vụ tiêu thụ đạt trên 138.500 tấn. Thị trường tiêu thụ nội địa được khơi thông, mở rộng với tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt trên 123.500 tấn (chiếm khoảng 61,9% tổng sản lượng tiêu thụ, tăng 3,3% so với năm 2021). Vải thiều được tiêu thụ khắp cả nước, những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn như: Hà Nội và các tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng…), TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai…) và các tỉnh miền Trung (Đà Nẵng, Huế…) và Tây Nguyên.

Sơ chế vải thiều tại Hợp tác xã Nông sản sạch thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn.

Vải thiều có mặt tại hầu hết các siêu thị, Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối và chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.... và trên các Sàn Thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế; bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội facebook, zalo, youtube…

Thị trường xuất khẩu được ổn định, quả vải đã khẳng định được thương hiệu, định vị được giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế gới với tổng sản lượng xuất khẩu đạt trên 75.900 tấn (chiếm 38,1% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia và một số nước Đông Nam Á, UAE và một số nước khu vực Trung Đông … trong đó thị trường Nhật Bản, EU (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia…) đã được mở rộng về quy mô và sản lượng xuất khẩu, với sản lượng xuất khẩu và tỷ trọng tăng trưởng ấn tượng.

Mặc dù trước những khó khăn, áp lực rất lớn trong xuất khẩu, giá vải thiều đầu và cuối vụ ở mức cao, giữa vụ được duy trì ổn định với giá bán vải thiều bình quân của cả vụ ước đạt 22.100 đồng/kg (tăng 2.300 đồng/kg so với năm 2021). Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.785 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều đạt khoảng 4.411 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.374 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết năm nay mặc dù gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ vải thiều nhưng với chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay, với đặc trưng riêng “quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày”, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước.

Để thúc đẩy tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện với phương châm sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều chất lượng cao, vượt trội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực của tỉnh, còn có sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và sự ủng hộ tích cực của người dân cả nước. Do đó, việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh diễn ra khá thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với giá thành cao./.

                                                                                                                                                         Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan