Bắc Giang: Tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ

 

Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, việc khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ là việc làm cần thiết nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao giá trị, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Vì vậy, nông nghiệp Bắc Giang cũng đang chuyển mình để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, đó là nông nghiệp hữu cơ.

Một số địa phương đã dần chuyển đổi và hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Những khởi đầu trong xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ

Với mục tiêu phấn đấu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp được yêu cầu cơ chế thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, ngày 22/11/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1940/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2025”.

Sau khi Đề án được triển khai, một số địa phương trong tỉnh đã dần chuyển đổi và hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình cam, bưởi hữu cơ có quy mô 01 ha tại huyện Lục Ngạn; mô hình sản xuất rau hữu cơ quy mô 01 ha tại huyện Việt Yên; mô hình lợn thịt hữu cơ có quy mô tối thiểu 300 con tại huyện Lục Nam,Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng; mô hình gà thịt hữu cơ quy mô tối thiểu 3.000 con/2 lứa/năm tại huyện Yên Thế.

Xác định nguồn vốn là nhân tố quan trọng quyết định đến sự phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã phân bổ gần 12 tỷ đồng để triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 70% chi phí mua phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học; phân bón qua lá. Riêng với cây cam, bưởi hỗ trợ 70% chi phí mua túi bao quả ngoài các nội dung hỗ trợ chung. Đối với mô hình chăn nuôi hữu cơ tỉnh thực hiện hỗ trợ 40% chi phí mua con giống, 30% chi phí mua thức ăn, vắc-xin phòng bệnh, thuốc thú y, chất sát trùng cho mô hình lợn thịt, gà thịt.

Đồng chí Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020- 2025”, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có mô hình chăn nuôi lợn được cấp Giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ; một số mô hình rau, bưởi tại các địa phương trong tỉnh cũng đang trong giai đoạn hỗ trợ, triển khai.

Tỉnh cũng có 03 đơn vị sản xuất được cấp Giấy chứng nhận hữu cơ đó là Hợp tác xã (HTX) Phúc Hưng, HTX nông nghiệp Lý Nhân, HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế. Số đơn vị, tổ chức sản xuất đang xin cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là HTX cây ăn quả Lục Ngạn chứng nhận bưởi hữu cơ; HTX Thân Trường chứng nhận chè hữu cơ…

Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong trồng trọt để phát triển các sản phẩm nông sản cao cấp.

Xây dựng chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ

Thực tế cho thấy, Bắc Giang có các vùng sản xuất rau, quả tập trung quy mô lớn, quy mô đàn lợn, đàn gà luôn trong nhóm các tỉnh lớn nhất cả nước. Người sản xuất có nhiều kinh nghiệm, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong trồng trọt và chăn nuôi phát triển nhanh chóng. Đây là những điều kiện rất quan trọng để phát triển các sản phẩm nông sản cao cấp, trong đó có nông sản hữu cơ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, nhận thức của nông dân về sản xuất an toàn, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường những năm gần đây cũng được nâng cao; cùng với xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch và thân thiện với tự nhiên là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang chuyển dịch ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hữu cơ.

Do nguồn lực đầu tư bao gồm cả tài chính và nhân lực về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nhà nước, HTX, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế; chưa có danh mục giống, vật tư đầu vào đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 11041: 2017 để phục vụ sản xuất. Mặt khác chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp và chưa chủ động… nên quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương trong tỉnh vẫn thấp, chưa thu hút được các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân tham gia - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lê Bá Thành cho biết thêm.

 Xu hướng sử dụng các sản phẩm nông sản hữu cơ hiện nay đang được người tiêu dung quan tâm hơn.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm tận dụng lợi thế các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh. Mở rộng diện tích vùng chăn nuôi chuyên canh, thâm canh thông qua việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng đã tổ chức mở lớp đào tạo cho cán bộ kỹ thuật, quản lý các cơ quan cấp tỉnh và huyện, tổ chức các lớp tập huấn và học tập thực tế cho 240 đại diện doanh nghiệp, xã viên HTX tham gia mô hình về sản xuất hữu cơ. Qua đó tiếp tục trang bị kiến thức chuyên sâu về canh tác hữu cơ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ và mô hình trồng trọt, chăn nuôi về hữu cơ. Trong  năm 2022, tỉnh cũng đã dành khoảng 885 triệu đồng để hỗ trợ các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ.

Song song với công tác đào tạo, tập huấn, phân bổ kinh phí hỗ trợ, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng sẽ tập trung triển khai các cơ chế, chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng phát triển. Hình thành và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ đang dần nở rộ và phát triển nhanh ở các địa phương trong cả nước. Vì vậy, về giải pháp lâu dài, tỉnh cần tiếp tục có những chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ; đồng thời cần xây dựng định hướng giải pháp để huy động doanh nghiệp tham tham vàochuỗi sản xuất hữu cơ.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích người dân hạn chế và dần thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật sang phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược được quy định... Quan tâm đào tạo, nâng cao hiểu biết, trình độ kiến thức, chuyên môn về nông nghiệp công nghệ cao cho người nông dân. Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nguồn sản phẩm an toàn dồi dào để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái, tiến tới hình thành thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu./.

                                                                                                                                                                  Theo Bacgiang.gov.vn

 

Các tin liên quan