Bắc Giang: Quy định cấp dự báo cháy rừng

UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Quyết định số 66/2021/QĐ-UBND ban hành quy định cấp dự báo cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa: BGP/Nguyễn Miền

Quy định được áp dụng đối với các Sở, ngành, địa phương, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, mùa cháy rừng ở tỉnh Bắc Giang được xác định theo chỉ số khô hạn và thực trạng cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Mùa cháy rừng ở tỉnh Bắc Giang có tổng số 08 tháng trong năm, bao gồm các tháng: 01, 02, 03, 04, 05, 10, 11 và 12.

Cấp dự báo cháy rừng Cấp dự báo cháy rừng tỉnh Bắc Giang, gồm 05 cấp, từ cấp I đến cấp V. Trong đó, cấp I là cấp thấp, ít có khả năng cháy rừng, khả năng cháy rừng thấp, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số I.

Cấp II được quy định là cấp trung bình có khả năng cháy rừng; khả năng cháy rừng ở mức trung bình, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số II.

Biện pháp phòng cháy rừng ở cấp I, cấp II, UBND tỉnh giao cho Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã và các chủ rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); tổ chức kiểm tra, hướng dẫn quy vùng sản xuất nương rẫy, tuyên truyền giáo dục về PCCCR và hướng dẫn kỹ thuật làm nương rẫy. Đồng thời, đôn đốc bố trí người canh phòng, lực lượng sẵn sàng kịp thời dập tắt khi mới xảy ra cháy rừng.

Cấp III là cấp cao do thời tiết khô hanh kéo dài, dễ xảy ra cháy rừng; các địa phương cần chú trọng phòng cháy các loại rừng như: thông, bạch đàn, keo, tre nứa; khả năng cháy lan trên diện rộng, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số III.

Biện pháp phòng cháy rừng ở cấp III được giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Ban Chỉ huy cấp huyện, Hạt Kiểm lâm đôn đốc việc PCCCR của các chủ rừng cấm đốt nương rẫy. Các chủ rừng phải thường xuyên kiểm tra lực lượng canh phòng và lực lượng khoán quản lý bảo vệ rừng, nhất là trồng rừng. Lực lượng canh phòng trực 10/24 giờ trong ngày (từ 10 giờ đến 20 giờ trong ngày), đặc biệt chú trọng các giờ cao điểm (từ 11 giờ đến 19 giờ). Khi xảy ra cháy rừng, Chủ tịch UBND cấp xã được quyền huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý tham gia chữa cháy. Trong trường hợp vượt quá khả năng kiểm soát của cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện, Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện để huy động chữa cháy rừng.

Đối với Cấp IV (cấp nguy hiểm) do thời tiết khô hanh, hạn kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh. Nguy cơ cháy rừng lớn, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số IV.

Chủ tịch UBND cấp huyện và Ban Chỉ huy cấp huyện trực tiếp chỉ đạo việc PCCCR tại địa phương. Các chủ rừng và lực lượng Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm dễ cháy. Lực lượng canh phòng phải thường xuyên trên chòi canh và ngoài hiện trường rừng, đảm bảo trực 12/24 giờ (từ 9 giờ đến 21 giờ trong ngày) nhất là các giờ cao điểm (từ 11 giờ đến 19 giờ), phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay.

Trong trường hợp vượt quá khả năng kiểm soát của cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR cấp tỉnh để huy động chữa cháy rừng. Thông báo thường xuyên, kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng về cấp cháy và tình hình cháy rừng hàng ngày ở địa phương.

Cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) do thời tiết khô, hạn kéo dài có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng, tốc độ lửa lan tràn rất nhanh, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số V.  Do đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã, các chủ rừng. Lực lượng Công an phòng cháy, chữa cháy phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy, đảm bảo trực 24/24 giờ trong ngày, tăng cường kiểm tra người và phương tiện vào rừng.

Thông báo thường xuyên, kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nội quy dùng lửa trong rừng, ven rừng và tình hình cháy rừng hàng ngày ở địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi xảy ra cháy phải huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, tiến hành điều tra xác minh vụ cháy và truy tìm thủ phạm xử lý nghiêm minh.

Trong trường hợp đám cháy lớn vượt quá khả năng kiểm soát, hoặc đám cháy quy mô không lớn nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến người dân, đến an ninh quốc phòng, sự an toàn của các công trình quan trọng, các công trình, vật kiến trúc có nguy cơ gây cháy nổ lớn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT để huy động chữa cháy rừng.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh việc thực hiện Quy định. Khi cấp dự báo cháy rừng đến cấp V, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng cháy rừng theo quy định. Đồng thời chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm các cấp, căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để dự báo và thông tin cấp dự báo cháy rừng liên tục hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng khi dự báo đến cấp IV, cấp V.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến hoạt động PCCCR chấp hành nghiêm trách nhiệm PCCCR và thực hiện các biện pháp phòng cháy rừng theo quy định.

                                                                                                                                                 Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan