Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số quý I năm 2022

Ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban để đánh giá kết quả thực hiện quý I năm 2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II năm 2022 và thời gian tới.

Tham dự phiên họp tại trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) CĐS tỉnh chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo các cơ quan thành viên BCĐ CĐS tỉnh. 

Đồng chí Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chủ trì điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định CĐS quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác CĐS, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây cũng là lĩnh vực được người dân, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với 3 mục tiêu chính là đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về CĐS quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của CĐS.

Thủ tướng nhấn mạnh, CĐS là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại. Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về CĐS là phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam; gắn với quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững KT-XH hiện nay cũng như các mục tiêu phát triển tới năm 2025, 2030 và 2045.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung như rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế số; phát triển hạ tầng CĐS, ứng dụng công nghệ số; huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua việc thúc đẩy hợp tác công tư; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, phù hợp tình hình, năng lực và trình độ của Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiểm tra, giám sát thường xuyên để thúc đẩy công việc và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí… Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn, Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cho CĐS phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, chia cắt, manh mún, rời rạc, lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai.

Quang cảnh điểm cầu Trung ương. Ảnh: baochinhphu.vn

Theo báo cáo tình hình triển khai CĐS quý I/2022, công tác CĐS trong thời gian qua được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, đặc biệt là nhận thức của người đứng đầu có sự chuyển biến rõ nét. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Quyết định về CĐS, trong đó có phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là Ngày CĐS quốc gia.

Kết quả nổi bật là tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam quý I/2022 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là chỉ số tải xuống (download) ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26%, mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44%. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tiếp tục được phát triển và khai thác hiệu quả để phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước ngày càng cao. Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 24,75%, tăng 8,82% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu kinh tế số trong quý ước khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp... 

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thống nhất 12 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong quý II/2022. Cùng đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm kiện toàn đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin; huy động chuyên gia CĐS cho cơ quan nhà nước; triển khai tổ công nghệ số cộng đồng. Phát triển nguồn nhân lực CĐS; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thay đổi phương thức giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước bằng công nghệ số. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: baochinhphu.vn

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng chính phủ nhấn mạnh tình hình mới có nhiều khó khăn, thách thức, do đó để thực hiện được các mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Về quan điểm, Thủ tướng yêu cầu hằng tháng, hằng quý, cần có sản phẩm cụ thể, có thể cân đong, đo đếm được. Các Bộ, ngành, địa phương phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong công tác xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực CĐS; người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình CĐS.

Thủ tướng nhấn mạnh phải phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ, tiện ích. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có hiệu quả, sản phẩm cụ thể. Coi triển khai hiệu quả chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; làm thay đổi căn bản phương thức quản lý hành chính nhà nước... Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ thực hiện phát triển Chính phủ số mà còn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đi đôi với phân bổ nguồn lực, giám sát, kiểm tra, khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ trọng tâm quý II và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành và Ban Chỉ đạo CĐS các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về CĐS. Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành liên quan. Các Bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc cập nhật kế hoạch hành động đến năm 2025 của cấp chính quyền với đầy đủ 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, phù hợp với các chiến lược quốc gia…

Thủ tướng nhất trí chủ trương huy động chuyên gia, hợp tác quốc tế chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước, giao Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, giám sát; giao các Bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao hằng năm để thuê các chuyên gia triển khai các hoạt động CĐS mà cơ quan nhà nước rất thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Các Bộ, ngành tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân.../.

Theo Baobacgiang.