Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản: Đòn bẩy tăng giá trị nông sản

(BGĐT) - Từ đầu năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) làm hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang tại Nhật Bản đối với sản phẩm quả tươi. Nếu đăng ký thành công cho vải thiều vào Nhật Bản sẽ góp phần tăng giá trị nông sản, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người sản xuất.

Nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn

Lục Ngạn có hơn 20 nghìn ha vải thiều, tổng sản lượng ước đạt 150 nghìn tấn, thu về hàng nghìn tỷ đồng/năm. Sau nhiều lần đại diện lãnh đạo địa phương và cơ quan chuyên môn T.Ư làm việc với đối tác Nhật Bản, tháng 6-2018 đoàn chuyên gia của Cục Công nghệ thực phẩm Nhật Bản đã sang làm việc với UBND huyện Lục Ngạn về việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho quả vải. Chủ trương đưa vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản là tin vui với người trồng vải bởi lâu nay 90% sản phẩm chỉ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, số còn lại xuất sang các nước: Mỹ, Úc, Thái Lan, Hà Lan…

 Người dân xã Hồng Giang (Lục Ngạn) tuân thủ đúng quy trình sản xuất vải thiều để đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản. Ảnh tư liệu.

Người dân xã Hồng Giang (Lục Ngạn) tuân thủ đúng quy trình sản xuất vải thiều để đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản. Ảnh tư liệu.

Đối tác yêu cầu, để được chấp thuận và cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trong quy trình sản xuất, giới hạn giống, cơ chế quản lý tem, nhãn hiệu, logo và các thủ tục hành chính liên quan khác đúng quy định cũng như các bước kiểm tra của Nhật Bản.

Theo đó, UBND huyện đã và đang xây dựng Đề án “Vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Mộc giai đoạn 2018-2020”, diện tích hơn 300 ha. Toàn bộ diện tích tham gia dự án phải tuân thủ quy trình canh tác VietGAP và GlobalGAP; công nghệ bảo quản hiện đại có tem mã vạch truy xuất nguồn gốc. Cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân ở các xã khác sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP, với hơn 11 nghìn ha; cấp mã số đạt tiêu chuẩn quốc tế cho 18 vườn. Ông Giáp Văn Huynh, thôn Kép (xã Hồng Giang) chia sẻ: “Vụ này, cả 300 gốc vải của gia đình đều được chăm sóc theo quy trình GlobalGAP. Hy vọng, vụ vải thiều sắp tới sẽ được xuất sang Nhật Bản với giá bán cao hơn trong nước”.

Theo ông Ngô Chí Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN, hiện nay, vải thiều Lục Ngạn là nông sản duy nhất của tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý trong nước. Nếu thành công, đây sẽ là sản phẩm đầu tiên của Bắc Giang có chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, tạo cơ hội rất lớn cho vải thiều xuất khẩu.

Để được bảo hộ CDĐL Vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, hồ sơ đăng ký sẽ phải đáp ứng 12 danh mục tài liệu liên quan như: Tờ khai, bản mô tả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, quy chế quản lý quá trình sản xuất sản phẩm; chứng minh thẩm quyền của tổ chức, đại diện sở hữu công nghiệp; bản cam kết đáp ứng và tuân thủ các điều kiện quy định đối với tổ chức đăng ký chỉ dẫn…

Tăng trách nhiệm người trồng

Lục Ngạn là địa phương có vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước, song mới có khoảng 50% số hộ trồng vải tham gia liên kết sản xuất theo quy trình an toàn; số còn lại vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ. Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, để đáp ứng 12 chỉ tiêu trong hồ sơ đăng ký thì địa phương còn gặp phải một số khó khăn. Ví như người dân canh tác còn manh mún dẫn tới vướng mắc trong quản lý và kiểm soát quy trình, chất lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Diện tích vải chăm sóc bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chưa nhiều.

Không những vậy, huyện tích cực đầu tư thực hiện các đề tài, dự án bảo quản cho sản phẩm vải thiều như: Phát triển nông sản quốc gia; vùng sản xuất trọng điểm và các mô hình áp dụng quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP), công nghệ của Israel, CAS... rất hiện đại.Để giải quyết những hạn chế trên, ngay sau khi có định hướng đăng ký chỉ dẫn địa lý, địa phương cùng các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia liên kết sản xuất theo phương thức tiên tiến; đưa khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo thống kê từ Hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, toàn huyện đã thành lập 30 chi hội, 455 tổ hợp tác sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP, tăng so với năm 2017 hơn 700 ha.

Ông Ngô Chí Vinh cho biết thêm, ngoài giải pháp tích cực của huyện, giải quyết triệt để vướng mắc trên cần có sự đồng thuận và quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp, người sản xuất. Trong quá trình canh tác vải thiều, cùng với các thủ tục về hành chính thì các hộ gia đình trồng vải cần bám sát những tiêu chí do đối tác đặt ra về quy trình chăm sóc cây; thu hoạch, bảo quản quả vải bởi đây là tiêu chuẩn hàng đầu mà đối tác xét đến. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm thành lập mới các hợp tác xã; vận động, hỗ trợ để thu hút 80% hộ tham gia sản xuất vải theo chuỗi giá trị an toàn vào năm 2020.

Huyện Lục Ngạn cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc vải nhằm tăng số hộ được cấp chứng nhận; đẩy mạnh việc dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm đúng tiêu chuẩn nhãn hiệu. Cơ quan chức năng phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng giá trị thu nhập từ quả vải lên gấp nhiều lần so với thực tế. Trước mắt, phía Nhật Bản đã xem hồ sơ và yêu cầu đơn vị chỉnh sửa lần cuối. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản sẽ được đối tác đồng ý cấp chứng nhận. Qua đây, khẳng định chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hóa, làm giàu cho người dân.

 

                                                                                                                             Theo: Hoàng Phương (Báo Bắc Giang Điện Tử)

Các tin liên quan