Đánh giá thái độ phục vụ của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh: Góc nhìn từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp

(BGĐT)- Sau gần một  năm tiến hành lấy phiếu khảo sát và phân tích đánh giá, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra những thông tin khá toàn diện về ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) và trách nhiệm phục vụ của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

 

Vẫn còn tiêu cực

Việc khảo sát ý kiến đánh giá của nhà đầu tư, DN gồm 8 nội dung chính; trong đó, chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất có 5 nội dung: Tính minh bạch thông tin; thái độ phục vụ DN, nhà đầu tư; năng lực chuyên môn của cán bộ tiếp nhận và giải quyết TTHC; thời gian giải quyết TTHC và chi phí không chính thức. Nhóm thứ 2, bao gồm 3 nội dung: Đánh giá về mức độ hài lòng đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; số lần DN, nhà đầu tư phải tiếp các đoàn thanh tra trong năm; DN, nhà đầu tư có dự kiến mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 2 năm tới.

Tổ chức, cá nhân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Bắc Giang.

Tổ chức, cá nhân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Bắc Giang.

Theo ông Đồng Anh Quân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển DN, qua phân tích, tính minh bạch thông tin là chỉ số được DN, nhà đầu tư đánh giá cao, với 70,9% cho rằng, các thông tin về giải quyết TTHC được công khai đầy đủ, kịp thời; chỉ có 3,7% đánh giá thông tin chưa được công khai. “Nhìn chung, DN và nhà đầu tư khá hài lòng về thái độ phục vụ trong giao tiếp, hướng dẫn, giải thích về TTHC của cán bộ, công chức (đạt 90%) và 88,9 % DN, nhà đầu tư được hỏi đánh giá năng lực chuyên môn của cán bộ tiếp nhận và giải quyết TTHC đạt khá và tốt”, ông Quân nói.

Kết quả so sánh xếp hạng DCI các sở, ngành năm 2018 so với năm 2017.

Kết quả so sánh xếp hạng DCI các sở, ngành năm 2018 so với năm 2017.

Bên cạnh những đánh giá tích cực trên, 20% nhà đầu tư, DN cho rằng, còn biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC; 10% ý kiến đánh giá thái độ phục vụ DN, nhà đầu tư của một số công chức, viên chức còn chưa thân thiện, nhiệt tình; 7,7% ý kiến đánh giá vẫn còn hồ sơ giải quyết TTHC chậm so với quy định…

Điều đáng quan tâm, số lần phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra trong năm vẫn còn khá cao. Cụ thể, chỉ có 22,36% DN, nhà đầu tư được hỏi phải tiếp một đoàn; 31,68% phải tiếp hai đoàn; 18,63% phải tiếp ba lần và có tới 26,33% DN , nhà đầu tư được hỏi phải tiếp trên ba lần đoàn kiểm tra.

Nhìn một cách tổng thể về xếp hạng đánh giá của DN, nhà đầu tư đối với việc thực hiện TTHC và trách nhiệm phục vụ của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (DCI) trong năm 2018 có sự thay đổi lớn. Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH đã vươn lên đứng đầu bảng (năm 2017 đứng thứ 4). Ban Quản lý các khu công nghiệp có sự thăng hạng vượt bậc, nếu như năm 2017 đứng thứ 12/15 thì năm 2018 vươn lên thứ 2/15. Sở KH&ĐT năm 2017 đứng thứ 5/15, năm 2018 quay trở lại top 3 đơn vị dẫn đầu trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, Sở NN&PTNT năm 2017 đứng thứ 2/15 thì năm 2018 xuống vị trí cuối bảng. Thanh tra tỉnh năm 2017 đứng thứ 1/15 thì năm 2018 tụt xuống đứng thứ 14/15. Sở GT-VT năm 2017 đứng thứ 7/15 thì năm 2018 tiếp tục tụt xuống vị trí thứ 13/15 trên bảng xếp hạng.

Kết quả xếp hạng DCI của các huyện, TP năm 2018 cũng có nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Đơn cử như, huyện Yên Thế đã thăng hạng vượt bậc, nếu như năm 2017 đứng thứ 9/10 thì sang năm 2018 vươn lên đứng thứ 1/10 trên bảng xếp hạng; huyện Hiệp Hòa cũng đã có bước tiến lớn, nếu như năm 2017 đứng thứ 8/10 thì năm 2018 đã vươn lên đứng thứ 2/10; huyện Việt Yên năm 2017 đứng thứ 5/10 thì năm 2018 cũng đã quay trở lại top 3 đơn vị dẫn đầu. Trong khi đó, huyện Lục Nam năm 2017 đứng thứ 3/10 thì năm 2018 tụt xuống vị trí cuối bảng; huyện Lục Ngạn năm 2017 đứng thứ 7/10 thì năm 2018 tiếp tục tụt xuống đứng thứ 9/10; huyện Yên Dũng năm 2017 đứng thứ 2/10 thì năm 2018 tụt xuống vị trí thứ 7/10 bảng xếp hạng.Nhìn một cách tổng thể về xếp hạng đánh giá của DN, nhà đầu tư đối với việc thực hiện TTHC và trách nhiệm phục vụ của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (DCI) trong năm 2018 có sự thay đổi lớn. Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH đã vươn lên đứng đầu bảng (năm 2017 đứng thứ 4). Ban Quản lý các khu công nghiệp có sự thăng hạng vượt bậc, nếu như năm 2017 đứng thứ 12/15 thì năm 2018 vươn lên thứ 2/15. Sở KH&ĐT năm 2017 đứng thứ 5/15, năm 2018 quay trở lại top 3 đơn vị dẫn đầu trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, Sở NN&PTNT năm 2017 đứng thứ 2/15 thì năm 2018 xuống vị trí cuối bảng. Thanh tra tỉnh năm 2017 đứng thứ 1/15 thì năm 2018 tụt xuống đứng thứ 14/15. Sở GT-VT năm 2017 đứng thứ 7/15 thì năm 2018 tiếp tục tụt xuống vị trí thứ 13/15 trên bảng xếp hạng.

 

Hướng đến chuyên nghiệp hơn

Có thể nói, TTHC liên thông, tinh gọn được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm và năng động sẽ hình thành cơ chế đầu tư - kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch; tạo lập hình ảnh thân thiện, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của chính quyền và xây dựng niềm tin, sự đồng thuận từ phía các DN, nhà đầu tư. Bởi vậy, những dữ liệu khảo sát, đánh giá trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hút các dự án đầu tư của tỉnh.

Kết quả so sánh xếp hạng DCI các huyện, TP năm 2018 so với năm 2017.

Kết quả so sánh xếp hạng DCI các huyện, TP năm 2018 so với năm 2017.

Theo ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, để tiếp tục tạo thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, TP đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách các TTHC liên quan trực tiếp đến đầu tư, kinh doanh của DN, nhà đầu tư. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh để tạo thuận lợi cho các DN trong thực hiện các TTHC. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; xây dựng và triển khai thực hiện phần mềm một cửa liên thông áp dụng chung cho tất cả các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh và kết nối liên thông giữa các cơ quan cần giải quyết TTHC, kể cả Văn phòng UBND tỉnh.

72% các DN, nhà đầu tư được khảo sát cho ý kiến, họ có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Điều này thể hiện, nhiều DN, nhà đầu tư cảm thấy yên tâm và mong muốn được mở rộng, phát triển tại tỉnh Bắc Giang.

“Chúng tôi sẽ tham mưu xây dựng cuốn sổ tay về đầu tư từ khi nhà đầu tư bắt đầu tìm hiểu các thông tin về đầu tư cho đến các thủ tục liên quan như: Quy trình thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư; quy trình thủ tục giải phóng mặt bằng; lĩnh vực môi trường; cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đấu nối giao thông, điện, nước… đến khi thi công, kiểm tra nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào hoạt động”, ông Cường nói.

 

                                                                                                                                                      Theo: Báo Bắc Giang Điện Tử

Các tin liên quan