Những xu hướng tích cực và quan ngại DDCI Bắc Giang 2020

Ngày 05/02/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 265/QĐ-UBND về việc phê duyệt và công bố xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố (DDCI) năm 2020. Đây là năm đầu tiên triển khai đánh giá DDCI theo bộ tiêu chí mới đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó Bộ chỉ số DDCI Bắc Giang 2020 bao gồm 08 chỉ số thành phần cho khối sở, ban, ngành và 09 chỉ số thành phần cho khối địa phương, phản ảnh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Khảo sát DDCI Bắc Giang 2020 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá hết sức tích cực và nhiệt tình hưởng ứng tham gia, với 1.356 phiếu nhận xét, đánh giá về các sở, ban, ngành và địa phương. Khảo sát đã giúp cho lãnh đạo tỉnh xác định được những điểm nghẽn trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Qua khảo sát DDCI 2020 có thể nhận thấy các xu hướng tích cực như:

Sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các đơn vị đã giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh thay đổi, chuyển biến về nhận thức, tư duy, thái độ trong việc phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Công tác cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các TTHC đã được đơn giản hoá, nhiều TTHC đã được giải quyết theo phương án tại chỗ góp phần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và được các doanh nghiệp, nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao.

Khả năng tiếp cận thông tin, văn bản không có sẵn trên các kênh thông tin đại chúng được các doanh nghiệp đánh giá khá tốt. 85,75% doanh nghiệp được hỏi cho rằng các sở, ban, ngành và 82,17% chính quyền các địa phương sẵn sàng cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ phía doanh nghiệp.

Việc công khai các TTHC cũng được doanh nghiệp đánh giá cao, chỉ có 1,72% doanh nghiệp cho rằng TTHC chưa được công khai niêm yết tại bảng thông tin/cổng thông tin điện tử ở cấp sở, ban, ngành và 2,43 % ở cấp địa phương. 74,04% doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ không thấy hiện tượng đùn đẩy công việc ở khối sở, ban, ngành.

Hiện tượng trả lại hồ sơ khi doanh nghiệp đến thực hiện TTHC đã được cải thiện rất nhiều. Cụ thể, 75,31% doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ không bị trả lại hồ sơ khi đến thực hiện TTHC tại các sở, ban, ngành và 75,17% ở cấp địa phương.

Cán bộ tại bộ phận một cửa cũng được các doanh nghiệp đánh giá khá tốt. Chỉ có 4,54% doanh nghiệp được hỏi cho rằng cán bộ tại bộ phận một cửa ứng xử thiếu chuyên nghiệp, chưa đúng mực đối với khối sở, ban, ngành và 7,69% đối với khối địa phương.

Tỷ lệ phản hồi của các cơ quan quản lý nhà nước khi doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc được đánh giá khá tốt. Cụ thể: 72,00% doanh nghiệp được hỏi trả lời họ luôn nhận được phản hồi từ phía các sở, ban, ngành và 70,11% từ phía chính quyền các địa phương.

Các doanh nghiệp đánh giá lãnh đạo các đơn vị luôn nắm bắt và xử lý kịp thời những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn của mình. Cụ thể đối với cấp sở, ban, ngành là 91,02%, đối với địa phương là 87,22%.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn được cải thiện theo hướng tích cực, có đến 70,17% doanh nghiệp được hỏi đánh giá hạ tầng giao thông trong thời gian qua được cải thiện tạo điều kiện cho việc đi lại và giao thương.

Qua khảo sát DDCI 2020 cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp vào việc phục hồi kinh tế trong năm 2021 là rất lạc quan, chỉ có 8% doanh nghiệp được hỏi cho rằng năm 2021 họ sẽ giảm quy mô hoạt động. Qua đó cho thấy doanh nghiệp đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh của Bắc Giang đang được cải thiện theo hướng tích cực. Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cùng với các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền tỉnh Bắc Giang đề ra đã phát huy tác dụng tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh các xu hướng tích cực thì vẫn còn bộc lộ một số xu hướng đáng quan ngại như:

Có đến 54,58% doanh nghiệp được hỏi đối với khối sở, ban, ngành và 59,09% đối với khối địa phương cho rằng “Có mối quan hệ với cán bộ nhà nước” giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc giải quyết TTHC.

Hiện tượng ưu ái cho doanh nghiệp sân sau/doanh nghiệp thân hữu vẫn còn khá phổ biến, các doanh nghiệp được hỏi cho rằng (81,06% đối với khối sở, ban, ngành và 66,86% đối với khối địa phương) các doanh nghiệp sân sau hoặc doanh nghiệp có liên kết “thân hữu” với các cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính được nhanh chóng và đơn giản hơn.

Trong năm qua, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã rất nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí không chính thức. Tuy nhiên, doanh nghiệp đánh giá mức chi trả chi phí không chính thức vẫn còn khá cao, chỉ có 22,56% đối với khối sở, ban, ngành và 17,50% đối với khối địa phương, doanh nghiệp được hỏi cho rằng mức độ chi trả chi phí không chính thức ít hơn so với năm trước. 

Tỷ lệ doanh nghiệp phản ảnh khó khăn, vướng mắc thông qua qua kênh Hiệp hội doanh nghiệp vẫn còn khá thấp, chỉ có 8,42% đối với khối sở, ban, ngành và 12,36% đối với khối địa phương, doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ chọn kênh phản ánh khó khăn vướng mắc thông qua kênh Hiệp hội doanh nghiệp.

Hiện tượng lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm về bảo vệ môi trường tại các địa phương được doanh nghiệp đánh giá vẫn còn xảy ra khá phố biến.

Chính quyền các địa phương miền xuôi đang được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá nỗ lực hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh so với các địa phương miền núi.

Cũng qua khảo sát khó khăn của doanh nghiệp 2020 cho thấy lĩnh vực mà doanh nghiệp thường gặp khó khăn nhất trong quá trình hoạt động đó là: mở rộng thị trường, bán hàng trên các kênh siêu thị, thương mại điện tử, tuyển dụng lao động có trình độ cao, việc giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án, việc xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, tiếp cận vốn vay ngân hàng, thủ tục về đầu tư, đánh giá tác động môi trường và thẩm định hồ sơ/cấp phép xây dựng.

Do vậy, để việc cải thiên môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Bắc Giang nhanh và bền vững thì đòi hỏi các cấp chính quyền cần tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa trong việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng Ạnh Quân - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp

 

Các tin liên quan