Giải ngân hơn 169 tỷ đồng cho vay trả lương do ảnh hưởng dịch Covid-19

(BGĐT)- Chiều 17/8, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình cho vay lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ (Nghị quyết 68); Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 23).

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH; Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Bắc Giang và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Theo báo cáo, thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, tính đến hết ngày 17/8, các Chi nhánh NHCSXH tỉnh, TP trong cả nước tiếp nhận 308 hồ sơ đề nghị vay vốn với tổng số tiền 174,6 tỷ đồng để trả lương cho hơn 50 nghìn lượt lao động. 

Theo đó, 276 hồ sơ được phê duyệt vay với số tiền 170,7 tỷ đồng để trả lương cho hơn 49 nghìn lượt người lao động. Hiện hệ thống NHCSXH đã giải ngân hơn 169 tỷ đồng cho hơn 48 nghìn lượt người lao động. Điển hình, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước; trong đó Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc là khách hàng vay lớn nhất với số tiền 16,3 tỷ đồng.

Do đây là chính sách mới thực hiện nên các đại biểu đã thảo luận tập trung vào một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Nhiều khách hàng thuộc lĩnh vực giao thông - vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú khó tiếp cận vốn bởi hồ sơ yêu cầu phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid 19, có thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động.

Nhiều địa phương đang trong thời gian giãn cách xã hội nên người sử dụng lao động chưa liên hệ được với NHCSXH nơi cho vay để làm hồ sơ đề nghị vay vốn... Một số ý kiến đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính các bước tiếp cận vay vốn từ NHCSXH trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Thế Tuấn thông tin: Bắc Giang từng là tâm dịch lớn nhất của cả nước, để khống chế dịch bệnh, có thời điểm tỉnh đã tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, thực hiện giãn cách và cách ly xã hội đối với hầu hết các huyện, TP, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống KT-XH. Đến nay, dịch bệnh trên địa bàn được đẩy lùi, khống chế và kiểm soát thành công; các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường. 

Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, các tổ giúp việc để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" với phương châm “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”. Trong lúc các doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là một chính sách kịp thời, đúng lúc, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó.

Nhằm thực hiện kịp thời, có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, đơn vị vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ bảo đảm theo đúng quy định. Qua đó, toàn tỉnh có 48 người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ và được NHCSXH tỉnh giải ngân cho vay để trả lương cho hơn 26 nghìn lượt người lao động với số tiền 90,2 tỷ đồng.

Thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện tốt chính sách này, tỉnh Bắc Giang kiến nghị NHCSXH tiếp tục quan tâm hỗ trợ Chi nhánh NHCSXH tỉnh việc thẩm định hồ sơ vay vốn trước khi thông báo nguồn vốn cho vay để bảo đảm các thủ tục đúng với quy định.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đào Minh Tú đánh giá cao sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 và đạt kết quả cao.

Đồng chí nhấn mạnh, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phố biến sâu rộng chính sách cho vay trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tổ chức, cá nhân nắm được và chủ động tiếp cận; kịp thời phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trên địa bàn để các cấp, ngành giám sát bảo đảm công khai, minh bạch.

Đồng chí đề nghị NHCSXH các tỉnh, TP tập trung cao thực hiện, đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, ngành T.Ư cùng các đơn vị liên quan ở địa phương để hướng dẫn cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nguồn vốn. 

NHCSXH tham mưu với UBND cùng cấp, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23. Ban điều hành NHCSXH chủ động nắm bắt tình hình thực hiện của các địa phương, kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền. 

Chi nhánh NHCSXH các địa phương chủ động báo cáo với UBND cùng cấp kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất giải pháp phù hợp để phát huy hiệu quả nội dung hỗ trợ. Các tỉnh, TP cần bố trí nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện hiệu quả việc cho vay lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Tin, ảnh: Hoàng Phương

Các tin liên quan