Cùng nhau thúc đẩy xây dựng “cánh cửa” thương mại mới

(BGĐT)-  Nhằm làm rõ hơn về những cơ hội trong hợp tác giao thương giữa tỉnh Quảng Tây với tỉnh Bắc Giang nói riêng, Việt Nam nói chung, nhất là việc tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản khác, phóng viên Báo Bắc Giang đã có cuộc trao đổi với ông Cố Chương Vỹ, hàm Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang giới thiệu với ông Cố Chương Vỹ (đứng thứ hai từ phải sang) về sản phẩm vải thiều Bắc Giang.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang giới thiệu với ông Cố Chương Vỹ (đứng thứ hai từ phải sang) về sản phẩm vải thiều Bắc Giang.

Ông có thể đánh giá khái quát về kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa tỉnh Quảng Tây với Việt Nam trong thời gian gần đây?

Ông Cố Chương Vỹ: Hợp tác kinh tế, thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam thời gian qua không ngừng được mở rộng và đạt được kết quả tốt đẹp. Trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam, trong đó có tỉnh Bắc Giang liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây; hiện đứng thứ hai về thương mại của Việt Nam trong các tỉnh, khu tự trị và thành phố tại Trung Quốc.

Riêng năm 2018, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu các sản phẩm nông sản giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt 13,47 tỷ nhân dân tệ, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1,134 triệu tấn, trị giá 4,13 tỷ nhân dân tệ. Các sản phẩm nhập khẩu chính là vải thiều, nhãn, tiêu (khô), thanh long, dưa hấu, bột cá làm thức ăn chăn nuôi, sắn khô...

Lượng lớn hàng hóa được nhập khẩu từ Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng không những làm phong phú thêm nhu cầu thị trường của chính tỉnh Quảng Tây, mà còn tạo ra kênh cung ứng hàng hóa đa dạng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất nội địa Trung Quốc.

Ông có thể cho biết, các chính sách chính mà phía Quảng Tây sẽ tập trung triển khai cho việc nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có tỉnh Bắc Giang là gì?

Ông Cố Chương Vỹ: Quảng Tây thực hiện chính sách khuyến khích nhập khẩu tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng nhập khẩu nông sản Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm hoa quả. 

Tỉnh chủ yếu áp dụng các biện pháp như sau: Thứ nhất, tăng cường các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu hoa quả tại Bằng Tường. Từ năm 2016 đến năm 2018, khu vực cảng ngoại quan Khâm Châu, đường sắt Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang luôn là cửa khẩu chỉ định nhập khẩu hoa quả, cộng với sân bay quốc tế Lưỡng Giang, Quế Lâm có từ trước đó và gần đây là cửa khẩu Bằng Tường, Phòng Thành Cảng. 

Quảng Tây đã và đang trở thành điểm giao thoa lớn nhất đưa hoa quả từ các nước ASEAN, đặc biệt là hoa quả Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Thứ hai, tài trợ vốn nhập khẩu hoa quả. Từ năm 2015 đến nay, Quảng Tây đã trợ cấp nhập khẩu cho các loại hoa quả của Việt Nam như thanh long, nhãn và măng cụt. 

Trong thời gian tới, phía Quảng Tây tiếp tục quan tâm vấn đề này. Các doanh nghiệp có hợp đồng nhập khẩu và tờ khai báo hàng hóa sẽ xin trợ cấp vốn nhập khẩu từ Sở Thương mại Quảng Tây.

Vận chuyển vải thiều Bắc Giang mang đi tiêu thụ tại chợ Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Vận chuyển vải thiều Bắc Giang mang đi tiêu thụ tại chợ Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng, hai bên cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Cố Chương Vỹ: Theo tôi, trước hết cần tích cực mở rộng thị trường hoa quả của hai bên. Tỉnh Bắc Giang cần tận dụng tối đa lợi thế cửa khẩu chỉ định nhập khẩu hoa quả của các tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Quảng Tây; tăng cường tuyên truyền và mở rộng quy mô chiêu thương đối với thương nhân kinh doanh hoa quả của Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng với Trung Quốc; huy động các doanh nghiệp mở rộng xuất nhập khẩu nông sản.

Không những vậy, cùng nhau thúc đẩy xây dựng một “cánh cửa” thương mại đường bộ và đường biển quốc tế mới. Vấn đề này đã được đưa vào danh sách hạng mục trọng điểm của Trung Quốc.

Sau khi xây dựng xong, các tỉnh và thành phố phía Tây như Trùng Khánh, Quý Châu và Cam Túc có thể được kết nối với ASEAN thông qua đường bộ và đường biển Quảng Tây, nó sẽ xây dựng nên một “cánh cửa” thuận tiện, nhanh chóng hơn cho thương mại xuất nhập khẩu Trung - Việt nói chung và thương mại nông sản nói riêng. 

Một trong những tuyến đường quan trọng của “cánh cửa” mới đó là các tuyến đường bộ xuyên biên giới và các tuyến đường sắt từ Bằng Tường hoặc Đông Hưng (Quảng Tây) đến Việt Nam, rồi đến các quốc gia khác ở bán đảo Đông Dương. 

Trong lĩnh vực vận chuyển bằng đường bộ xuyên biên giới tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, trung bình hằng ngày có khoảng 1.300 xe tải thông hành, lượng vận chuyển container cả năm khoảng 350.000 TEU, tăng trưởng hơn 90%. 

Trong lĩnh vực đường sắt, các đoàn tàu trực tiếp xuyên biên giới Trung Quốc - Việt Nam (Nam Ninh - Bằng Tường - Hà Nội) năm 2018 đã vận hành tổng cộng 59 chuyến, hoạt động bình thường 1-2 chuyến mỗi tuần. 

Hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc xây dựng kết nối đường bộ và đường sắt giữa hai nước để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng. Tuyến đường sắt này chạy qua địa phận tỉnh Bắc Giang, đây sẽ là cơ hội lớn cho các bạn.

Việc nâng cao mức độ thuận lợi hóa thương mại cũng cần được quan tâm. Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam và cố gắng thúc đẩy mở ra hình thức thông quan mới, nhanh chóng thông quan mở “luồng xanh” đối với các sản phẩm nông nghiệp tại các cửa khẩu biên giới như Đông Hưng và Bằng Tường. Đồng thời đàm phán kéo dài thời gian thông quan tại các cửa khẩu quan trọng để các doanh nghiệp, du khách và cư dân biên giới có thêm thời gian làm thủ tục hải quan.

Phát huy những ưu thế về cơ chế và tăng cường trao đổi thông tin, hai bên sẽ tận dụng tốt cơ chế hợp tác giữa Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Trung Quốc - Việt Nam, ủy ban công tác chung của bốn tỉnh biên giới Quảng Tây-Việt Nam và chính quyền địa phương liên quan của hai bên; thường xuyên trao đổi thông tin về niêm yết giá hoa quả, số phương tiện vận chuyển và thủ tục hải quan tại cửa khẩu. 

Kịp thời nắm bắt và thông báo sớm cho hai bên về tình hình thông quan hoa quả trong mùa cao điểm, phối hợp và hướng dẫn các doanh nghiệp và phương tiện để nhanh chóng làm thủ tục hải quan từ các cửa khẩu khác.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo: Đỗ Thành Nam (Báo Bắc Giang Điện Tử)

Các tin liên quan