Bắc Giang: Nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư

Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang đã có sự nỗ lực không nhỏ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (bên phải) trao đổi với ông Thạch Thụy Kỳ (ngoài cùng trái),
Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam tại hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư Đài Loan.

Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, đâu là điểm nhấn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI) của Bắc Giang?

Hàng năm, ngay sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ kết quả đánh giá của doanh nghiệp để phân tích và làm rõ những nguyên nhân tăng giảm điểm của từng chỉ số thành phần để UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục ngay những điểm còn hạn chế.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (giao cho Trung tâm xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp) thực hiện khảo sát, đánh giá của Doanh nghiệp, Nhà đầu tư đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính và trách nhiệm phục vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (năm 2018). Qua khảo sát, UBND tỉnh đã có cái nhìn khá đầy đủ về những đánh giá của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước trên đại bàn để từ đó có những chỉ đạo kịp thời. 

Ngoài ra, UBND tỉnh đã thường xuyên duy trì các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp định kỳ hàng quý để nghe phán ánh và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã có nhiều cố gắng để tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, không phân biệt, đối xử và tạo sân chơi bình đẳng cho các DN, đặc biệt là trong việc tiếp cận các cơ hội đầu tư, kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, chế độ chính sách, các nguồn lực, đất đai, tín dụng...

Công khai các điều kiện và tiêu chí để mọi DN (kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI) tiếp cận nguồn lực của nhà nước về vốn đầu tư: Công khai về quy trình phân bổ vốn đầu tư phát triển, tính minh bạch trong bổ sung vốn đầu tư phát triển; thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp, thanh toán, quyết toán các công trình; các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa các DN.

Vậy đâu là những hạn chế trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Giang hiên nay, thưa ông?

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Bắc Giang vẫn còn một số tồn tại, điểm yếu như năm 2018, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, các dự án FDI vẫn duy trì ở tốp đầu trong cả nước (năm 2018, Bắc Giang đứng thứ 12 về thu hút vốn FDI” nhưng so với năm 2017 đã giảm cả về số dự án và vốn đăng ký; số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với năm 2017.

Công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, các quy hoạch còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn đến khó khăn trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án bên ngoài các KCN. Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố điều chỉnh các quy hoạch liên quan đối với các dự án phải điều chỉnh bổ sung quy hoạch nhưng một số cơ quan vẫn chưa kịp thời thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hạ tầng một số khu công nghiệp chậm được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ. Tiến độ đầu tư hạ tầng của hầu hết các KCN đang triển khai đều chậm nhưng việc đôn đốc và xử lý các chủ đầu tư chậm tiến độ chưa quyết liệt; hạ tầng đầu tư không đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng xử lý nước thải. Hạ tầng các CCN chưa được quan tâm đầu tư, thiếu đồng bộ, manh mún, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung, cấp nước sạch, đường giao thông nội bộ, đường gom cụm công nghiệp; không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các CCN giao cho các doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng, tiến độ GPMB chậm. Hạ tầng hỗ trợ đầu tư như dịch vụ vận tải đưa đón công nhân còn nhiều hạn chế, đặc biệt là điểm đỗ xe đưa đón công nhân; hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt của công nhân và người lao động, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho công nhân.

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong việc xử lý các thủ tục hành chính của doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến đầu tư kinh doanh, tuy đã có chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế; vẫn còn một số sở, ngành địa phương không tuân thủ đúng thời gian dẫn đến có những trường hợp còn bị xử lý chậm so với thời gian quy định.

Hiệu quả hoạt động của các Tổ tư vấn hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế, hải quan chưa cao. Bên cạnh đó, năng lực của các đơn vị tư vấn cung cấp các dịch vụ trong các lĩnh vực trên cũng hạn chế dẫn đến nhiều hồ sơ không đạt yêu cầu, phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần làm mất thời gian và chi phí của các nhà đầu tư trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan.

Việc hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn nhiều hạn chế, chưa chủ động. Vẫn còn tình trạng các địa phương (chủ yếu là các thôn, xã) đặt điều kiện đối với nhà đầu tư như: Hỗ trợ kinh phí xây nhà văn hóa, đường giao thông... gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.

Theo kết quả khảo sát ý kiến đánh giá của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với việc thực hiện thủ tục hành chính và trách nhiệm phục vụ của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh năm 2018 (Do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện) cho thấy: Mức độ chưa hài lòng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với một số cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các thủ tục còn ở mức cao như: Công an tỉnh (tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòng là 27%); Sở Tài nguyên và Môi trường (9%); UBND thành phố Bắc Giang (8%); UBND huyện Việt Yên (8%); Công ty điện lực tỉnh (8%).

Công tác triển khai các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, cơ hội kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng các doanh nghiệp; hỗ trợ thủ tục pháp lý... chưa thực sự mang lại những hiệu quả cho doanh nghiệp. Nguồn kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng doanh nghiệp còn hạn chế. Hệ thống cơ quan đầu mối về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu.

Để khắc phục những điểm yếu này, Bắc Giang sẽ đưa ra những giải pháp gì nhằm tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI?

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Tiếp tục triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn thi hành;trong đó, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các DNNVV tại các khu, CCN trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh bằng nhiều hình thức. Xây dựng Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; trong đó các sở, ban, ngành thực hiện nhiệm vụ thường xuyên rà soát văn bản QPPL theo quy định để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Giang để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp đang hoạt động, đặc biệt là hạ tầng các KCN: Quang Châu, Vân Trung, Hòa Phú. Tiếp tục quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến thành lập KCN Việt Hàn, giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư hạ tầng đầu tư hạ tầng tạo quỹ đất để thu hút các dự án sản xuất kinh doanh. Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng tại một số CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng sớm hoàn thiện các thủ tục cần thiết để triển khai đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN.

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn. Khẩn trương hoàn thiện và ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 làm cơ sở triển khai các hoạt động thu hút đầu tư. Kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đồng thời, kiểm tra xử lý những vi phạm đối với các nhà đầu tư cố tình vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện, tạo môi trường đầu tư hập dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được chấp thuận đầu tư. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Hỗ trợ đầu tư và Phát triển doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; trong đó thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai một số dự án có quy mô lớn nhằm kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp định kỳ; nghiêm túc giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết thực chất, dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp, công khai kết quả và theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Giang

Các tin liên quan